In bài viết

Chống IUU: Các địa phương phải thực sự quyết liệt, tính đến khả năng cấm biển

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương phải quyết liệt trong công tác chống IUU vì thời điểm vàng không còn nhiều, đồng thời gợi ý khả năng cấm biển như một giải pháp căn cơ, lâu dài để phát triển ngành thuỷ sản bền vững, có trách nhiệm.

05/02/2024 19:22
Chống IUU: Các địa phương phải thực sự quyết liệt, tính đến khả năng cấm biển- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương phải quyết liệt trong công tác chống IUU vì thời điểm vàng không còn nhiều - Ảnh: VGP/Hải Minh

Chiều 5/2, tại tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Hội nghị tập trung đánh giá thực chất tình hình chống IUU thời gian qua, bàn giải pháp đẩy mạnh việc chống IUU để chuẩn bị tốt nhất cho đợt thanh tra thứ 5 của Uỷ ban châu Âu dự kiến trong tháng 4/2024.

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, qua đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, đoàn thành tra của EC đánh giá Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa kiểm soát tốt nguồn gốc thủy sản xuất khẩu và tàu cá; việc thực thi pháp luật, trong đó có xử phạt tình trạng tàu cá mất kết nối, còn hạn chế.

Đợt thanh tra lần thứ 5 là cơ hội cuối cùng để Việt Nam gỡ thẻ vàng trước khi EU bầu cử, vì thế rất cần những giải pháp tổng lực trên, tạo chuyển biến thực chất trong công tác chống IUU để gỡ thẻ vàng sớm nhất có thể, Phó Thủ tướng nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh nếu không gỡ được thẻ vàng trong thời gian sắp tới thì có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội gỡ, thậm chí có nguy cơ bị phạt thẻ đỏ, bị hạn chế xuất khẩu thuỷ sản vào các thị trường quan trọng khác.

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết sau hơn 6 năm chống khai thác IUU (từ ngày 23/10/2017 đến nay), các ban, bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt tại Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4/11/2023 và ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU để khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4.

Tuy nhiên, đến nay một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách vẫn chưa bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, tính từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC đến nay tiếp tục xảy ra 17 tàu/190 ngư dân bị các nước bắt giữ.

Về công tác quản lý đội tàu, hiện cả nước còn khoảng 15.198 tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).

Về theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá, tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày.

Bên cạnh đó, hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp.

Tại nhiều địa phương, việc kiểm soát chất lượng nhật ký khai thác phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn không được bảo đảm theo quy định.

Chưa triển khai thống nhất, đồng bộ trong cả nước Hệ thống Truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi, kiểm soát công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước trong khi chỉ đạo của Thủ tướng là phải hoàn thành, báo cáo kết quả trước ngày 31/12/2023.

Về công công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU, vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt, không đồng đều giữa các địa phương.

Công tác điều tra, xử phạt các trường hợp vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay còn hạn chế, hiện mới xác minh, đưa ra xử phạt được 8/37 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (chiếm 21,62%).

Việc xác minh, xử phạt các trường hợp mất kết nối VMS theo quy định còn hạn chế; tính riêng đối với khối tàu từ 24 mét trở lên vi phạm mới đạt khoảng trên 10%; hầu như chưa xử phạt hành vi ngắt kết nối trên 6 tiếng không thông báo vị trí theo quy định.

Tại Hội nghị, các địa phương báo cáo về thực trạng, giải pháp xử lý tàu ca "3 không", tàu mất kết nối, tuần tra xử lý vi phạm, giao khu vực biển cho hộ ngư dân. Tỉnh Kiên Giang đề xuất trong quý I/2024, các địa phương cần đồng loạt vào cuộc quyết liệt để điều tra, xét xử các vụ việc vi phạm IUU để nâng cao tính răn đe.

Các bộ, ngành cập nhật tình hình phối hợp với các cơ quan chức năng của nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin về các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài; công tác điều tra, xử lý hành vi môi giới, tổ chức đưa ngư dân đi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Chống IUU: Các địa phương phải thực sự quyết liệt, tính đến khả năng cấm biển- Ảnh 2.

Hội nghị tập trung đánh giá thực chất tình hình chống IUU thời gian qua, bàn giải pháp đẩy mạnh việc chống IUU - Ảnh: VGP/Hải Minh

Nhiều địa phương tăng cường xử phạt vi phạm IUU

Theo Cục Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT, thời gian qua, tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển đã đẩy mạnh việc xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU. Đơn cử, tỉnh Nghệ An xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Thường, thuyền trưởng tàu cá NA-95079-TS; ông Ngô Văn Chính, thuyền trưởng tàu cá NA-95177-TS, mỗi cá nhân 20 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ tàu cá 3 tháng do đã vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.

Tỉnh Nghệ An cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Nhật, thuyền trưởng tàu cá NA-99995-TS số tiền 24 triệu đồng do không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng, không chấp hành việc kiểm tra kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền đối với phương tiện pháp luật quy định.

Tỉnh Bình Thuận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Thống, chủ tàu cá ở khu phố 8, phường Phước Hội, thị xã La Gi với mức phạt 900 triệu đồng vì đã có hành vi khai thác thuỷ sản tại vùng biển quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà không có giấy phép hoặc không có giấy chấp nhận.

Bà Thống là chủ tàu cá BTh 97352 bị lực lượng chức năng Malaysia phát hiện và bắt giữ đang khai thác hải sản tại khu vực thuộc vùng biển của Malaysia ngày 7/1/2023.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ra quyết định xử phạt ông Trần Thanh Mười, ngụ khu phố 8, phường Phước Hội, thị xã La Gi số tiền 900 triệu đồng với hành vi vi phạm tương tự. Ông Mười là chủ tàu cá BTh 95204 TS đã thực hiện đánh bắt xâm phạm vùng biển Malaysia ngày 7/1/2023 và bị lực lượng chức năng nước này bắt giữ.

Đặc biệt, Kiên Giang là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra truy tố xét xử 1 vụ liên quan môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Cụ thể, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên phạt 4 bị cáo sống tại tỉnh Kiên Giang về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, từ 1 đến 8 năm tù giam.

Bốn bị cáo gồm: Trần Văn Luyến (43 tuổi, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá) 8 năm tù giam, Phạm Chí Dũng (59 tuổi, ngụ ấp Bến Nhứt, xã Long Thanh, huyện Giồng Riềng) 7 năm tù giam, Trần Minh Tâm (40 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành) 7 năm tù giam, Trần Văn Nhựt (37 tuổi, ngụ ấp Trung Thành, xã Phi Thông, TP. Rạch Giá) 1 năm tù giam.

Chống IUU: Các địa phương phải thực sự quyết liệt, tính đến khả năng cấm biển- Ảnh 3.

Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển - Ảnh: VGP/Hải Minh

Cần có giải pháp cả trước mắt lẫn lâu dài

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao những kết quả tích cực mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác chống IUU trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao tỉnh Kiên Giang đã làm được nhiều việc có tác động lan toả tích cực, trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra truy tố xét xử vụ liên quan môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời gian còn lại rất ít, khoảng gần 3 tháng nữa là đến thời điểm EC cử đoàn thanh tra sang Việt Nam, nên phải dồn tổng lực, mở "đợt cao điểm của cao điểm" với mục tiêu cao nhất là gỡ được thẻ vàng sau lần thanh tra thứ 5 sắp tới, trong đó tập trung vào 2 việc: (i) không để có tàu cá bị bắt ở nước ngoài; (ii) xử lý nghiêm các vi phạm, không có ngoại lệ, trong đó có hành vi tổ chức, môi giới xuất cảnh trái phép, sử dụng trái phép vật liệu nổ trong đánh bắt hải sản.

Các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, vận dụng các quy định hiện hành để xử lý các vi phạm về IUU. Địa phương nào có các vụ việc tương tự như Kiên Giang vừa xử lý thì mạnh dạn xử lý. Bộ Công an đã gửi hồ sơ vụ án nêu trên của tỉnh Kiên Giang đến công an tất cả các tỉnh, thành phố ven biển để nghiên cứu, tham khảo, vận dụng.

Bốn địa phương có đội tàu lớn là Kiên Giang, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau tập trung xử lý ngay các tàu mất kết nối theo quy định hiện hành, Phó Thủ tướng yêu cầu dù việc này rất đau xót.

Dự kiến trong tháng 2, Ban Bí thư sẽ ban hành Chỉ thị, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng người đứng đầu cấp uỷ các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong công tác chống IUU, Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; chỉ đạo Cục Kiểm ngư phối hợp với Bộ Công an xứ lý dứt điểm tàu vi phạm được đoàn thanh tra của EC chỉ ra tại Khánh Hoà.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng quản lý, kiểm soát tốt tàu cá xuất, nhập bến, tại vùng biển giáp ranh, tập trung ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Bộ Công an thúc đẩy điều tra, đưa ra xét xử hành vi tổ chức và môi giới xuất cảnh trái phép và hành vi hợp thức hoá hồ sơ đối với các lô hàng hải sản xuất khẩu; mở rộng điều tra các nhóm tàu không về bến mà sử dụng các tàu khác tiếp tế nhiên liệu, đá, đồ ăn và tiếp nhận cá mang về bờ bán.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, phải quyết liệt hơn như đoàn thanh tra của EC đã chỉ rõ, nhấn mạnh nếu không quyết liệt, Trung ương sẽ có biện pháp buộc các địa phương phải quyết liệt mới có thể tháo gỡ thẻ vàng trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng đồng ý các địa phương mở rộng số lượng cảng tiếp nhận tàu cá cập bến ngoài các cảng chỉ định với điều kiện các địa phương kiểm soát được tình hình nhằm giảm áp lực đối với cảng cá được chỉ định, đồng thời tạo thuận lợi cho tàu cá cập bến, tiết kiệm chi phí cho ngư dân; thường xuyên báo cáo về Trung ương kết quả công tác chống IUU.

Bên cạnh những nhiệm vụ trước mắt nêu trên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các giải pháp căn cơ, lâu dài để phát triển ngành thuỷ sản bền vững, có trách nhiệm như hợp tác với các nước về nghề cá, mở ra hướng đi mới cho ngư dân; thu hút đầu tư nước ngoài vào nuôi trồng, chế biến hải sản.

Bộ NN&PTNT xây dựng phương án/kế hoạch khai thác thuỷ sản bền vững, trong đó tính đến khả năng cấm biển để bảo vệ, tái tạo ngư trường và hỗ trợ ngư dân khi thực hiện cấm biển.

Phó Thủ tướng lưu ý công tác tuyên truyền sắp tới phải căn cơ, bài bản, từ nhiều góc độ, không chỉ là động viên mà phải chú trọng tuyên truyền về hậu quả pháp lý đối với từng hành vi vi phạm IUU./.

Hải Minh