In bài viết

Chống “lâm tặc” ở Vườn Quốc gia Ba Bể: Chưa thể hiệu quả nếu dân đứng ngoài cuộc

Vườn Quốc gia Ba Bể

28/07/2011 13:53
Trong những ngày đầu tháng 7/2011, tại khu vực Pù Toòng, nằm trong tiểu khu 83 của Vườn quốc gia Ba Bể (VQG) thuộc địa bàn xã Quảng Khê, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã có 19 cây gỗ nghiến bị chặt hạ. Trước đấy, trong tháng 5/2011, Trạm Kiểm lâm Quảng Khê, qua kiểm tra đã phát hiện 5 cây nghiến cũng đã bị chặt hạ tại đây. Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã có 24 cây nghiến bị chặt hạ ở khu vực Pù Toòng thuộc địa bàn xã Quảng Khê, huyện Ba Bể.
* Lâm tặc là ai ?
Vườn quốc gia Ba Bể nằm trên địa bàn của 5 xã thuộc huyện Ba Bể là Nam Mẫu, Quảng Khê, Khang Ninh, Cao Thượng và Cao Trĩ và giáp ranh với 4 xã khác là Hoàng Trĩ (Ba Bể), Nam Cường, Xuân Lạc (Chợ Đồn) thuộc tỉnh Bắc Kạn và xã Đà Vị thuộc huyện Na Hang của tỉnh Tuyên Quang, với trên 15.000 dân sinh sống khắp nơi trên địa phận VQG và cũng gần với số đó sống ở khu vực giáp ranh... Quả là một vấn đề khó khi mà đa phần dân ở đây vốn nhiều đời sống dựa vào rừng. Đặc biệt hơn, sự bình yên ở đây bị xáo trộn bởi nạn khai thác gỗ quý trái phép, lợi nhuận cao của “lâm tặc” đến từ nhiều nơi. Chúng đến, lúc đầu mang theo người để tự vào rừng khai thác, khi bị truy quét quyết liệt, chúng chuyển sang “đặt hàng” cho một số đối tượng là dân sống trong khu vực VQG và cả những người sống gần khu vực này. Gần đây, với việc mở quốc lộ 279 chạy qua khu vực VQG, con đường chưa hoàn thành nhưng hệ lụy của nó đối với VQG đã rõ và khi hoàn thành tuyến đường này, nguy cơ tàn phá rừng chắc sẽ cao hơn...
Theo ông Lường Văn Ngọ, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Khê: Việc phá rừng thuộc đất Quảng Khê xảy ra vào đầu tháng 7. Chúng tôi xác định VQG và địa phương đều có trách nhiệm. Theo nhìn nhận, đánh giá của xã và Kiểm lâm VQG thì có cả người ở Quảng Khê và người ở địa phương lân cận tham gia. Hoạt động cưa chặt toàn về ban đêm và giờ giấc cũng thay đổi liên tục. Các lực lượng chức năng liên ngành của kiểm lâm VQG và xã đi tuần đều bị cảnh báo từ xa qua điện thoại di động nên rất khó bắt được người. Sau sự việc, xã đã họp lãnh đạo các thôn, bản phối hợp với Kiểm lâm để nếu phát hiện có dấu hiệu khai thác thì báo cho cơ quan có chức năng. Việc này trước đây dân vẫn làm, cán bộ các thôn bản vẫn làm, nhưng từ khi hết trợ cấp giữ rừng theo Chương tình 661 và 30a của Nhà nước (mỗi chương trình 100 ngàn đồng/ha), thì dân cũng thôi không có trách nhiệm phải báo cho kiểm lâm biết.
Trong tháng 6/2011, kiểm tra một số hộ sống tại VQG, lực lượng kiểm lâm thu được một số vụ cất giữ gỗ trái phép tại nhà ông Hoàng Văn Thẩn, 8 tấm gỗ nghiến dạng bìu; tại nhà ông Đặng Phúc Bảo, 8 tấm gỗ nghiến dạng bìu. Cả 2 nhà trên đều thuộc xã Quảng Khê, huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Tại Bản Cám, xã Cao Thượng, Ba Bể (Bắc Kạn), kiểm lâm đã thu giữ 41 hộp gỗ, khối lượng 1,537 m3 gỗ nghiến; tại thôn Nà Vài (Quảng Khê-Ba Bể), bắt được xe ô-tô 97A-0340 vận chuyển 0,55 m3 gỗ nghiến; tại Bản Chảy, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) bắt được xe ô-tô 97H-1363, vận chuyển trái phép 5,681 m3 gỗ nghiến...
* Cần một chính sách hợp lý để dân chống “lâm tặc”
Thực tế tại VQG cũng như các khu vực khác của tỉnh Bắc Kạn, như Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rỳ), Khu Bảo tồn loài Nam Xuân Lạc (Chợ Đồn) và các địa phương có rừng khác đều có chung tính chất phức tạp khi dân sinh sống trong khu vực cần được bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu không có chính sách hợp lý, có đối sách để dân có quyền lợi trong việc bảo vệ gỗ quý, bảo vệ tài nguyên rừng... thì rất khó bảo vệ rừng. Giám đốc, kiêm Hạt trưởng Kiểm lâm khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Nguyễn Tiến Dũng cho biết: ông đã đề nghị bằng văn bản nhiều lần lên các cơ quan chức năng của tỉnh, của Cục quản lý Lâm nghiệp để dành một khoản kinh phí chi trả cho người dân chăm sóc, bảo vệ rừng. Theo ông Dũng, cách tốt nhất để giữ rừng là dựa vào dân, chỉ có dân với sự trung thực của mình và được sự quan tâm của Nhà nước mới là lực lượng tốt nhất giữ rừng. Ông Giám đốc VQG Ba Bể, Nông Thế Diễn cũng có chung quan điểm và còn nhiểu người nữa, như Chủ tịch UBND huyện Na Rỳ, ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch xã Liêm Thủy, Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã Quảng Khê… đều khẳng định, nếu giao cho dân quản lý, bảo vệ rừng với nguồn kinh phí ổn định chắc chắn rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Ông Triệu Duy Chinh, Trưởng thôn Bản Pẹc: Nói dân không được. Họ bảo trước đây được tiền của Nhà nước thì họ phải bảo vệ, phải báo cho chính quyền, bây giờ không có tiền bảo vệ rừng, họ không làm nữa.
Theo báo cáo của VQG ngày 7/7/2011: Trong 6 tháng đầu năm 2011, Hạt Kiểm lâm VQG đã phát hiện, lập biên bản 56 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó khai thác rừng trái pháp luật 8 vụ; 40 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 6 vụ cất giấu gỗ trái pháp luật; 2 vụ vận chuyển phương tiện khai thác trái phép vào VQG. Đã xử lý 51/56 vụ (5 vụ đang điều tra). Tang vật tịch thu gồm: 135 cục thớt nghiến, 3,239 m3 gỗ nghiến; 4 bìu nghiến; 5 cưa lốc; 25 xe máy, một súng săn. Tang vật tạm giữ gồm 14 hộp bìu nghiến, 2 cưa lốc, 12 xe máy...
Đặc biệt, sau khi bị thu giữ tang vật, các đối tượng đã tìm mọi thủ đoạn tố cáo, vu khống, đe dọa, uy hiếp… lực lượng kiểm lâm, phá hoại tài sản của cơ quan: dùng hóa chất độc hại để hủy diệt ao cá thử nghiệm của VQG, thiệt hại gần 100 triệu đồng (25/6); trong các ngày 27/6, 1/7 “lâm tặc” đã dùng dao nhọn uy hiếp, khống chế kiểm lâm trạm Đồng Phúc để vận chuyển gỗ trái phép. Ngày 20/7, tại thị trấn Chợ Rã, Tòa án nhân dân huyện Ba Bể đã xử vụ hai cha con chống người thi hành công vụ khi bị bắt quả tang chở gỗ nghiến lậu. Người bố ngoài việc hỗ trợ con trai chống lại lực lượng kiểm lâm, đã từng bị án tù về tội chống người thi hành công vụ và đe dọa giết người…
Những khó khăn của VQG có nhiều, trong đó phải nói đến năng lực của một số cán bộ kiểm lâm còn yếu kém, công tác tuần tra, kiểm tra của kiểm lâm trên địa bàn chưa thường xuyên dẫn đến việc phát hiện và xử lý các vi phạm không kịp thời; cán bộ cơ sở chưa nhiệt tình tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, coi việc quản lý bảo vệ rừng là trách nhiệm của riêng kiểm lâm; sự hợp tác, phối hợp cung cấp thông tin vi phạm giữa người dân và trạm kiểm lâm không được duy trì thường xuyên. Khó khăn khách quan là địa bàn quản lý rộng, phức tạp, dân cư sống xem lẫn trong vùng lõi của VQG; nhu cầu sử dụng lâm sản rất lớn, có nhiều đối tượng đứng đằng sau “lâm tặc” đặt hàng dưới dạng thớt, bìu, hộp nghiến…
Trước thực trạng này, các cấp chính quyền cần phải vào cuộc quyết liệt. Ngoài việc tuyên truyền để người dân hiểu được nghĩa vụ bảo vệ rừng, cũng nên có chính sách phù hợp cho người dân, lấy dân làm điểm tựa…Nếu chỉ một mình lực lượng kiểm lâm chắc khó có thể giữ được những cánh rừng gỗ nghiến quý hiếm giữa Vườn quốc gia Ba Bể này.
Nguyễn Trình