In bài viết

Chống oan sai trong tố tụng hình sự: Bốn chủ thể phải cùng vào cuộc

(Chinhphu.vn) - Phòng, chống án oan sai và phòng, chống lọt tội đều là những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước và xã hội, có vai trò trong việc bảo đảm ổn định và an toàn cho cuộc sống của nhân dân, bảo vệ công lý.

25/11/2013 18:40
Ảnh minh họa

Để phòng, chống oan sai trong tố tụng hình sự, chúng ta đã có nhiều quy định trong Hiến pháp, trong luật và nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, tập trung trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Vấn đề là những quy định ấy không được tuân thủ đầy đủ trên thực tế và việc cải cách tư pháp kéo dài, chậm bước so với yêu cầu của cuộc sống.

Có bốn thành phần, bốn khâu chủ yếu trong quy trình tố tụng hình sự là cơ quan điều tra, cơ quan công tố, tòa án và luật sư. Phòng, chống án hình sự oan sai phải có sự tham gia của cả bốn thành phần này trong tất cả các giai đoạn tố tụng. Ở nước ta, tòa án không có thẩm quyền đối với việc điều tra, nhưng ở nhiều nước, tòa án có một số quyền hạn ngay từ khâu điều tra, ví dụ: Công an có thể bắt giữ nghi can nhưng quyết định giam giữ hay khám xét và một số biện pháp điều tra như nghe trộm, cài đặc tình, đều phải được tòa án chấp thuận thì chứng cứ thu được mới được công nhận. Điều này có những điểm hợp lý, chúng ta nên nghiên cứu sửa đổi luật pháp và từng bước áp dụng.

Để chống án oan sai, tất nhiên phải bắt đầu từ lực lượng điều tra. Ngoài việc nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ, phải tăng cường các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, nhân lực cần thiết. Ngoài ra, các điều tra viên còn phải đổi mới tư duy và quan niệm phòng chống tội phạm trong điều kiện Nhà nước pháp quyền, nhất là phải bảo đảm quyền được suy đoán vô tội và quyền có luật sư ngay từ giai đoạn điều tra của nghi can, bị can, bị cáo. 

Biện pháp tiếp theo để giảm thiểu mớm cung, bức cung, nhục hình là bảo đảm cho người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng chế độ giam cứu riêng, khác với người có tội. Đã có đại biểu Quốc hội đề nghị tách các trại tạm giữ, tạm giam này ra khỏi thẩm quyền của Bộ Công an, giao cho Bộ Tư pháp. Việc lắp camera trong các phòng hỏi cung là cần thiết, nhưng không thể loại trừ được việc mớm cung, bức cung hay nhục hình nếu không cách ly được người bị tạm giữ, tạm giam khỏi các hành vi lạm quyền của các điều tra viên yếu kém về nghiệp vụ hay đạo đức.

Tiếp theo, phải tăng cường vai trò của Viện Kiểm sát ngay từ giai đoạn tạm giữ, tạm giam; trực tiếp chỉ đạo điều tra, ngoài việc phê chuẩn việc tạm giữ, tạm giam, khám xét, còn phải quyết định hướng điều tra, quyết định về thu thập chứng cứ. Điều này phù hợp với thông lệ ở nhiều nước theo hệ thống dân luật. Ở Việt Nam, điều này càng cần thiết và hợp lý vì Viện Kiểm sát không chỉ có chức năng công tố, mà còn có chức năng kiểm sát điều tra và xét xử.

Vì cùng lúc phải làm hai chức năng công tố và kiểm sát điều tra, xét xử, Viện Kiểm sát phải được tổ chức lại để không rơi vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Riêng chức năng kiểm sát, nên tổ chức theo hướng song trùng lãnh đạo, vừa chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp, vừa chịu sự giám sát nghiệp vụ của Viện Kiểm sát cấp trên.

Tình hình hiện nay đã chín mùi cho việc áp dụng “quyền im lặng cho đến khi có mặt luật sư của mình”. Người bị tạm giữ, tạm giam phải được phổ biến quyền này, nếu không, các bản cung không có hiệu lực, trừ phi họ tự nguyện từ bỏ quyền đó. Các luật sư thay mặt cho bị can, bị cáo, phải có quyền phản biện chứng cứ, thu thập và trình bày chứng cứ của mình. Bộ Luật Tố tụng hình sự đang được sửa đổi cần quy định các quyền này, và điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tất nhiên, việc tăng cường đội ngũ luật sư về số lượng, trình độ và phẩm chất là một công việc bức thiết để đáp ứng nhu cầu này của xã hội.

Là khâu cuối của quy trình, nhưng tòa án được coi là khâu trung tâm của công cuộc cải cách tư pháp, có trách nhiệm nặng nề trong việc phòng chống oan sai, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, không để lọt tội, cũng không để oan sai. Đối với những vụ án mà việc điều tra hay truy tố có dấu hiệu thiếu sót hay vi phạm, chứng cứ buộc tội không đầy đủ, tòa án phải tuyên vô tội cho bị cáo. Việc tuyên vô tội một bị cáo vì không đủ chứng cứ không loại trừ việc cơ quan điều tra tiếp tục theo dõi và thu thập chứng cứ để khởi tố khi có đủ yếu tố, nếu bị cáo thực sự có tội. Đây là cũng là biện pháp thúc đẩy các khâu điều tra và công tố sửa chữa các sai sót, yếu kém, đồng thời góp phần phòng chống oan sai.

Việc bảo đảm nguyên tắc “xét xử dựa vào tranh tụng tại tòa” là một trong những yếu tố quan trọng để rà soát chứng cứ từ các khâu điều tra, truy tố, phòng chống mớm cung, bức cung, qua đó phòng, chống án oan sai. Nguyên tắc này cần được hiến định để tạo ra chuyển biến đột phá trong tố tụng hình sự nước ta theo hướng “tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo luật”, nhằm bảo vệ công lý và các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội