Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Trước đó, sau 4 giờ đồng hồ họp kín tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), trưa 2/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương năm 2017 để trình Chính phủ với mức đề xuất tăng 7,3%, tức 213.000 đồng.
Trong phiên họp sáng 2/8, các bên đã có sự nhượng bộ nhất định so với đề xuất trước đó. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hạ đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2017 từ 11,11% xuống còn 10%. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chấp nhận nâng mức đề xuất tăng lương tối thiểu từ 4-5% ban đầu lên 6,5%.
Sau khi phía Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI không tìm được tiếng nói chung bởi mức chênh lệch trong đề xuất vẫn là 4%, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất đi đến bỏ phiếu và thông qua phương án tăng lương được đưa ra để bỏ phiếu là 7,3%.
Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân, để đi đến phương án 7,3% đã có sự nỗ lực của các bên. Mức tăng lương tối thiểu vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động nhưng cũng chú ý chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp.
Kết quả, 13/14 phiếu (chiếm 92,9%) đồng ý với mức tăng bình quân 7,3%. Với phương án trên, mức lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng từ 180.000-250.000 đồng so với năm 2016, bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2016 (dự kiến dưới 5%).
Cụ thể, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 so với lương tối thiểu vùng năm trước như sau: Vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng, tức tăng 7,1%; vùng 2 tăng 220.000 đồng, tăng 7,1%; vùng 3 tăng 200.000 đồng, tăng 7,4% và vùng 4 tăng 180.000 đồng, tăng 7,9%.
Theo đánh giá của ông Phạm Minh Huân, mức lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng đủ 90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, để thực hiện đúng lộ trình tăng lương, đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động cũng cần tính đến việc nâng cao năng suất lao động, tạo ra sức cạnh tranh…
Thu Cúc