Ngày 27/6, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức tọa đàm "Chủ động ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa để bảo vệ công nhân lao động".
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an), tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma tuý hiện đang diễn biến phức tạp.
Công nhân lao động tại các khu công nghiệp đang là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tội phạm ma túy lôi kéo, dụ dỗ, từ hành vi sử dụng trái phép đến hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.
Bên cạnh đó, đa số công nhân lao động đều từ khu vực nông thôn, trong đó nhiều người từ các tỉnh miền núi đến các địa phương có nhiều khu công nghiệp để làm việc. Họ thiếu thông tin về tội phạm ma túy, về tác hại và nguy cơ từ ma túy. Phần lớn các công nhân sống xa gia đình, một bộ phận thiếu bản lĩnh, công việc căng thẳng, thu nhập thấp, không đảm bảo đời sống nên dễ nảy sinh tâm lý buồn chán, cần được giải tỏa... Đây chính là đặc điểm mà tội phạm ma túy lợi dụng để lôi kéo, dụ dỗ họ.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đã sớm nhận ra nguy cơ này. Nhiều chỉ đạo kịp thời, cụ thể từ Tổng Liên đoàn tới các cấp công đoàn cả nước đã mang lại hiệu quả trong nhiệm vụ bảo vệ công nhân lao động trước tệ nạn ma túy.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: "Công đoàn các cấp đã tổ chức truyền thông, nhất là qua mô hình tổ tự quản công nhân; tổ chức các hoạt động lành mạnh để công nhân tránh xa với sự cám dỗ của ma túy".
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng để phòng chống ma tuý trong công nhân lao động, Công đoàn cần chủ động trong quan hệ với công an, cần triển khai, đề xuất, nhất là xây dựng các tổ tự quản, công nhân nòng cốt để phát giác, xử lý...
Chia sẻ tại buổi toạ đàm, kể lại quá trình mắc, cai nghiện và làm lại cuộc đời, anh Mai Thế Bắc (sinh năm 1978, công nhân lao động từ tỉnh Thanh Hoá) cho biết trước đây anh làm thợ xây xa nhà. Anh dính vào tệ nạn ma tuý do bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo. 10 năm nghiện ma tuý, bị người thân xa lánh, nhiều lúc anh Bắc chán nản và từng nghĩ đến cái chết.
Tuy nhiên, anh Bắc nghĩ đến mẹ già ngày đêm lo lắng, nghĩ đến những người bị bệnh hiểm nghèo còn quyết tâm sống thêm, dù chỉ 1 vài ngày nên quyết tâm cai nghiện ma tuý. Với ý chí quyết tâm sắt đá, anh đã cai nghiện thành công, sau đó tìm được việc làm ổn định tại một doanh nghiệp và bắt đầu có thu nhập.
"Tôi có lời khuyên với mọi người: Đừng dính vào ma tuý. Nếu ai đã trót dính vào ma tuý thì phải từ giã ma túy, chỉ có vậy mới có thể có gia đình hạnh phúc, xã hội bình an", anh Mai Thế Bắc chia sẻ.
Tại tọa đàm, các đại biểu khách mời đã đưa ra các cảnh báo về về tính nguy hiểm và tác hại của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của tổ chức Công đoàn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong công tác chăm lo, bảo vệ, vì cuộc sống bình yên và sức khỏe của người lao động, tăng cường công tác phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội, tạo môi trường lao động, sản xuất an toàn và lành mạnh, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tọa đàm cũng chia sẻ thông tin về công tác phối hợp giữa tổ chức Công đoàn và lực lượng công an trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống ma túy.
Thu Cúc