Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa lớn cục bộ tại nhiều địa phương, sạt lở bờ sông, bờ biển liên tiếp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Trung Bộ, sạt lở đất do mưa lớn xảy ra ở miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng. Từ đầu năm 2023 đến nay riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra 122 vụ sạt lở ảnh hưởng đến dân cư, công trình đê điều, giao thông, rừng ngập mặn; gần đây các vụ sạt lở đất tại Bắc Kạn, Lâm Đồng,… cũng đã gây thiệt hại về người và tài sản.
Để tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an ninh, trật tự và giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Công an địa phương tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai; trọng tâm là Công điện số 591/CĐ-TTg ngày 29/6/2023 và Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão.
2. (1) Theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chỉ đạo, chủ động công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả; (2) bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, rạch, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; (3) kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng; (4) đảm bảo an ninh, trật tự, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bị sạt lở, nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông khi chưa đảm bảo an toàn; (5) tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát, sỏi trên sông, ven biển, trái phép, sai phép theo đúng quy định của pháp luật; (6) kịp thời khởi tố, truy tố đối với các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Chủ động các phương án: (1) Huy động lực lượng Công an địa phương, Công an xã chính quy và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn tổ chức ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả; (2) giúp nhân dân kịp thời ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất; (3) phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; (4) bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân; (5) bảo đảm trang thiết bị, phương tiện, công cụ đặc chủng chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
4. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân ở các vùng xảy ra mưa lũ. Các đơn vị truyền thông Công an nhân dân cần hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó mưa lũ. Kịp thời thông tin về tình hình và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323).