Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch ngày 15/7, ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày 20/6 đến ngày 9/7, tại Saudi Arabia đã thông báo phát hiện thêm 16 trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút MERS-CoV, trong đó có 8 trường hợp (gồm 4 nhân viên y tế và 4 trẻ em từ 7-15 tuổi) không có triệu chứng nhưng khi xét nghiệm lại dương tính với MERS-CoV. Các bệnh nhân khác hầu hết đều có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp, dẫn đến suy hô hấp, suy đa phủ tạng.
Tính từ tháng 4/2012 đến ngày 15/7/2013 trên thế giới đã ghi nhận 82 trường hợp xét nghiệm dương tính với MERS-CoV tại 9 nước trên thế giới, trong đó có 45 ca tử vong (56%). Đa số các ca mắc tập chung ở Saudi Arabia với 65 trường hợp mắc (79,3%) và 37 trường hợp tử vong (82,2%). Theo tổ chức WHO, hầu hết các độ tuổi đều có khả năng mắc bệnh (từ 14 tháng tuổi-94 tuổi) nhưng, chủ yếu là người già, nam giới (65%), những người mắc bệnh mãn tính. Độ tuổi trung bình các bệnh nhân mắc MERS-CoV là 51 tuổi. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1,9-14,7 ngày.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, tổ chức WHO lo ngại tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc MERS-CoV cao, chiếm 56%. Tuy nhiên, so với dịch SARS, số nhân viên y tế bị nhiễm bệnh thấp hơn rất nhiều, điều này có thể do vấn đề kiểm soát bệnh tốt hơn trước. Ngoài các trường hợp mắc rải rác trong cộng đồng, WHO cũng khẳng định vi rút này lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, nhưng chưa ghi nhận lây lan sang cộng đồng.
Tuy nhiên, WHO vẫn chưa biết rõ các yếu tố phơi nhiễm chính cũng như các yếu tố nguy cơ của các trường hợp mắc rải rác trong cộng đồng. “Hiện chưa phát hiện ca bệnh tại Việt Nam, việc giao thương của nước ta với khu vực Trung Đông cũng chưa phổ biến. Tuy nhiên, chúng ta không thể loại trừ các trường hợp du khách “trung gian” đi sang Trung Đông về rồi sang Việt Nam”, ông Phu cho biết.
Nhận định về độc lực của chủng vi rút mới MESR-CoV, ThS. Nguyễn Hồng Hà, Phó GĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết mức độ nguy hiểm của vi rút mới MESR-CoV cao vì lây lan từ người sang người. Bên cạnh đó, do chưa xác định được nguồn ổ dịch chính nên chưa định hướng được sự lây lan. Theo ThS. Hà cần phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất để điều trị khi xuất hiện ca bệnh, trong đó lưu ý khâu cách ly ngay từ đầu để hạn chế lây lan.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, mặc dù khả năng xâm nhập vi rút MERS-CoV vào nước ta hiện nay vẫn đang nằm trong nguy cơ thấp, nhưng chúng ta không chủ quan. Cần phải giám sát chặt chẽ các ca bệnh đầu tiên, đây là yếu tố quan trọng quyết định phương thức phòng và ứng phó với dịch bệnh.
Thứ trưởng cũng yêu cầu, tất cả các trường hợp mắc hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng phải được sàng lọc. Bên cạnh đó tiếp tục theo dõi sát tình hình, tăng cường trao đổi với WHO, CDC Hoa Kỳ để nhận định tình hình chung; tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới và quốc tế, tăng cường rà soát thân nhiệt. Nếu phát hiện có bệnh nhân phải cách ly ngay và có biện pháp hướng dẫn dự phòng đối với nhân viên y tế.
Theo TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, từ đầu tháng 6 đến nay đã xét nghiệm 48 mẫu nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng, tuy nhiên không phát hiện trường hợp nào mắc MERS-CoV. Hiện Viện đã hoàn thiện quy trình xét nghiệm đầy đủ theo hướng dẫn của WHO và CDC Hoa Kỳ. TS. Dương khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực để xét nghiệm vi rút corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp MERS-CoV.
Liên quan đến dịch cúm A/H1N1 gây tử vong tại Campuchia giáp biên giới Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho, biết, Bộ Y tế sẽ có công văn gửi UBND các tỉnh biên giới giáp Campuchia tăng cường trong việc phòng chống dịch cúm H1N1. Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo, người dân không nên ăn gia cầm chết, nếu phát hiện gia cầm ốm chết, cần báo cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý triệt để trên gia cầm. Đối với những người tiếp xúc gia cầm, đặc biệt là người giết mổ cần phải có các biện pháp bảo hộ phù hợp. |
Thúy Hà