In bài viết

Chủ động triển khai các biện pháp PCCCR

Hàng năm cứ mỗi khi bước vào mùa khô, Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR&PCCCR) các cấp trong tỉnh thường tổ chức tổng kết, đánh giá công tác PCCCR và đề ra nhiệm vụ PCCCR. Việc đánh giá này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cần phải xác định rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng và chủ động triển khai các biện pháp PCCCR để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra lửa rừng… Xác định “điểm nóng” bố trí nhân lực PCCCR.

31/01/2012 08:45
Xác định “điểm nóng” bố trí nhân lực PCCCR.

Xác định rõ tồn tại và nguyên nhân gây ra cháy rừng

Theo Ban chỉ huy BVR&PCCCR, mùa khô năm 2010-2011, toàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ cháy, trong đó có 9 vụ cháy gây thiệt hại 289,42 ha rừng (chủ yếu là rừng trồng), 10 vụ cháy nhờ huy động lực lượng dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại rừng. Trong số các đơn vị để xảy ra cháy rừng, nhiều nhất là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Rẫy cháy 220 ha rừng trồng, chiếm 76% tổng diện tích rừng bị cháy; Công ty Duy Tân cháy 30,9 ha, chiếm 10,6% tổng diện tích rừng bị cháy... Ngay cả rừng tự nhiên của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Glei cũng bị cháy 3,5 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cháy hơn 1 ha. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do người dân đốt rẫy để lửa cháy lan vào rừng và người dân thiếu ý thức khi sử dụng lửa rừng (săn bắt thú, đốt nướng trong rừng…); rừng trồng không được đầu tư xử lý thực bì để triệt tiêu vật liệu cháy…
Việc xác định rõ nguyên nhân này có ý nghĩa quan trọng, giúp cho Ban chỉ huy BVR&PCCCR các cấp chỉ đạo, kiểm tra các chủ rừng triển khai các biện pháp PCCCR như xử lý thực bì rừng trồng, bảo đảm các điều kiện không để xảy ra cháy rừng.
Khó khăn và tồn tại lớn nhất làm ảnh hưởng đến việc triển khai công tác PCCCR là kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR ở tỉnh hiện còn thấp, không đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, các công ty lâm nghiệp của Nhà nước, ngoài số tiền hỗ trợ của tỉnh đầu tư cho công tác PCCCR hầu như không có tiền đầu tư thêm cho công tác PCCCR. Việc huy động nhân dân tham gia chữa cháy rừng hiện đang gặp khó khăn vì chế độ bồi dưỡng cho người tham gia chữa cháy 20.000 đồng/ngày không còn phù hợp; kinh phí chi trả cho hợp đồng người tham gia bảo vệ rừng 300.000 đồng/người/tháng (mỗi xã 1 người trong 6 tháng mùa khô) quá thấp… Đây là những vấn đề tỉnh và trung ương cần nên xem xét lại để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Chủ động triển khai các biện pháp PCCCR
Mặc dù việc đầu tư cho công tác PCCCR còn có những việc phải điều chỉnh cho phù hợp, nhưng các chủ rừng, các địa phương không nên viện cớ lơ là, mất cảnh giác. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa khô năm 2012 diễn biến hết sức phức tạp, tình trạng khô hanh, hạn kiệt có thể kéo dài, đặt ra cho công tác PCCCR nhiều vấn đề cấp bách; bên cạnh đó, tình trạng xâm canh, phát rừng làm nương rẫy trái phép đã diễn ra ở nhiều nơi. Do vậy, các địa phương, các chủ rừng cần phải chủ động hơn nữa trong công tác PCCCR.
Tại Hội nghị tổng kết công tác PCCCR mùa khô năm 2010-2011 và triển khai công tác PCCCR mùa khô năm 2011-2012, Ban chỉ huy BVR&PCCCR tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy BVR&PCCCR các cấp kịp thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành và chủ rừng chủ động triển khai các biện PCCCR trên địa bàn, lâm phần mình quản lý. Cơ quan thường trực công tác PCCCR (Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện) phải chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Ban chỉ huy BVR&PCCCR các cấp triển khai thực hiện công tác PCCCR theo đúng phương án đã được phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án PCCCR của các chủ rừng, chủ dự án lâm nghiệp, kịp thời phát hiện và uốn nắn, sửa chữa những thiếu sót trong công tác PCCCR; cương quyết xử lý những trường hợp thiếu trách nhiệm trong công tác phòng cháy, để xảy ra cháy rừng, mất rừng. Các ngành, các cấp, các chủ rừng…đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, PCCCR. Ban chỉ huy BVR&PCCCR các cấp, các chủ rừng chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, dụng cụ để tham gia chữa cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại nguy cơ do cháy rừng gây ra. Sau các vụ cháy rừng phải kịp thời kiểm tra, xác minh tìm ra nguyên nhân và đối tượng gây cháy, lập hồ sơ để xử lý nghiêm theo luật định. Các chủ rừng, chủ dự án lâm nghiệp cần tiến hành rà soát, tu sửa cũng như làm mới các công trình phòng cháy (chòi canh lửa, các bảng biển tuyên truyền, đường ranh cản lửa…) đưa vào sử dụng có hiệu quả. Đối với rừng trồng trong thời gian kiến thiết cơ bản, các chủ rừng phải phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa bảo đảm khi xảy ra cháy có thể ngăn cách được đám cháy, tránh để cháy lan ra diện rộng. Tại các khu vực được xác định là “điểm nóng” phải bố trí người trực canh gác lửa rừng, kiểm tra người ra vào rừng, việc sản xuất nương rẫy của dân. Khi xây dựng phương án PCCCR phải có tình huống khi xảy ra cháy rừng phải có người dẫn đường để đưa nhân lực và phương tiện tham gia chữa cháy. Thực hiện công tác PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, duy trì và phát huy sức mạnh của lực lượng PCCCR tại cơ sở, nhất là các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, làng...
Bài và ảnh: Văn Nhiên