Cuộc họp ngày 12/9 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai |
Dẫn thông tin tại cuộc họp Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 12/9, VOV cho biết theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm DBKTTV quốc gia, chiều và đêm mai (13/9), bão số 5 sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta, khi vào bờ sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, bão có thể gây mưa ở các tỉnh miền núi khu vực giáp biên giới với Trung Quốc. Trong khi đó, hoàn lưu siêu bão MANGKHUT là rất lớn, khi vào bờ có thể gây gió mạnh hơn cơn bão số 5.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định hình thái thiên tai từ nay đến cuối tuần diễn biến còn hết sức phức tạp. Vì vậy phải thường xuyên thông tin đến các địa phương về tình hình bão, mưa lũ, nhất là những địa phương chịu tổn thương nặng nề trong bão số 3 và bão số 4 vừa qua. Các địa phương miền núi đặc biệt lưu ý lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để giảm thấp nhất thiệt hại về người.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo đề nghị cùng với việc ứng phó bão, các địa phương cần đặc biệt đề phòng lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn.
Tiếp tục chỉ đạo công tác ứng phó với bão, ngày 12/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình thông tin, tuyên truyền về việc xả lũ hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân khu vực ven sông; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình và tài sản khu vực các hồ chứa xả lũ gồm; công trình đang thi công, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, ven sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò, hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh, canh tác nông nghiệp trên bãi sông...
Chiều 12/9, Bộ Quốc phòng đã có Điện số 34/TK gửi: Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5... nắm chắc diễn biến của bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp với chính quyền địa phương, ứng phó với các tình huống xảy ra; thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển, tàu cá của ngư dân biết để chủ động di chuyển, tránh trú hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kiểm tra sắp xếp neo đậu tàu thuyền, lồng bè, chòi canh tại các bến, các khu nuôi trồng thủy sản; sơ tán người trên tàu thuyền, chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố các tỉnh phía bắc và ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai việc sẵn sàng sơ tán khẩn cơ sở y tế ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống, lũ quét hoặc vùng thấp trũng dễ bị ngập sau khi mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng bệnh nhân, nhân viên và trang thiết bị y tế.
Sở Y tế các tỉnh/thành phố chủ động bố trí nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão; tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung, cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, lũ bão gây ra. Các đội cấp cứu cơ động bảo đảm trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới…
Các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn thuốc men, phương tiện, vật tư, hóa chất phòng chống dịch và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão.
Công tác ứng phó với bão và mưa lớn cũng đang được nhiều địa phương triển khai.
Tại Quảng Ninh, trong công điện chỉ đạo ứng phó với bão, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khu vực trên biển, trên đảo và ven bờ thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.
Sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế trên biển, đặc biệt đối với khách du lịch trên biển và các đảo; đồng thời nắm chắc số lượng khách du lịch trên địa bàn để có phương án đảm bảo an toàn.
Vớii khu vực trên đất liền, các địa phương khẩn trương chỉ đạo rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực bãi thải và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng con người…
Tại Hải Phòng, ngày 12/9, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan thông báo cho chủ các phương tiên đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; quản lý chặt hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; không để người trên các tàu thuyền, lồng bè trước khi bão đổ bộ…
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển.
Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đê điều và các công trình đang thi công (đặc biệt là các công trình trọng điểm như cầu Hoàng Văn Thụ, khu đô thị mới Bắc sông Cấm, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, cầu tàu, bến cảng, khu công nghiệp, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng…
Tại Thanh Hóa, cơ quan chức năng yêu cầu các địa phương ven biển, các sở, ngành liên quan thông báo, hướng dẫn tàu thuyền chủ động phòng, tránh bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Tại Hòa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt khu vực đã sảy ra sạt lở năm 2017 và đợt mưa lũ vừa qua, các khu dân cư tái định cư do thiên tai; thông báo đến các cấp chính quyền xã, phường, thị trấn và người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, chủ các phương tiện giao thông thủy, chủ đầu tư các công trình đang thi công đặc biệt là những công trình trên sông, suối và chủ các hồ chứa nước, hầm, lò khai thác khoáng sản biết diễn biến mưa lũ để chủ động các biện pháp phòng, tránh.
Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức, tuần tra canh gác, kiểm tra, chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo quy định.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các địa phương, các sở, ngành thông báo, hướng dẫn tàu thuyền tàu du lịch hoạt động trên biển biết vị trí của bão để phòng tránh; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản…
Các địa phương kiểm tra hướng dẫn, rà soát và sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu; rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp và ngập úng đô thị.
Hướng di chuyển của bão số 5 và siêu bão MANGKHUT. Ảnh: Trung tâm DBKTTV Quốc gia |
Theo tin bão khẩn cấp của Trung tâm DBKTTV quốc gia, hồi 7h sáng nay (13/9), vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 330 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo chiều nay (13/9), bão sẽ đi vào khu vực phía bắc vịnh Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 13/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 100 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.
Trong khi đó, siêu bão MANGKHUT với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (200-220 km/giờ), giật trên cấp 17 và từ 3-5 ngày tiếp theo, bão MANGKHUT sẽ suy yếu dần khi đi vào gần đảo Hải Nam (Trung Quốc). Mặc dù vậy, bão vẫn duy trì cường độ rất mạnh và có khả năng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta trong ngày 17-18/9.