Nhận định tại cuộc họp cho thấy, mưa lũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân, hàng nghìn nhà cửa bị ngập sâu; sạt lở nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khiến các phương tiện không thể lưu thông. Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được khẩn trương triển khai để sớm thông tuyến cho các phương tiện lưu thông.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 11.200 nhà bị ngập sâu từ 0,3 đến 0,8 m; hầu hết các khu vực trung tâm tại TP. Đà Nẵng ngập sâu từ 0,5 đến 1,5 m, có nơi trên 2 m. Các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã di dời hơn 3.300 hộ với khoảng 9.600 người đến nơi an toàn.
Theo dự báo mưa sẽ giảm dần trong hôm nay và ngày mai 16/10, nhưng sẽ mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ, các đại biểu đề nghị trước mắt cần tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của mưa lũ, chủ động các phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực có nguy cơ cao.
Đại tá Trần Văn Sáu, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết: "Hiện đang tiếp tục chỉ đạo các lực lượng, đặc biệt ở những khu vực vẫn còn mưa từ Thừa Thiên Huế đến Hà Tĩnh triển khai lực lượng ứng phó, cùng chính quyền địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Phối hợp chặt chẽ với địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và vùng trũng thấp, sẵn sàng sơ tán nhân dân đến nơi an toàn".
Ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị lực lượng cứu hộ cứu nạn tăng cường hỗ trợ người dân vùng ngập lũ khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Đức Luận nhấn mạnh, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật thông tin và dự báo chính xác để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành theo đúng Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo các công ty quản lý đường bộ và các địa phương sớm khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông thông suốt.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng Tổng cục Thủy lợi theo dõi sát lưu lượng để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm cắt lũ cho hạ du, an toàn công trình, đặc biệt là các công trình thủy lợi hiện nay. Đối với công trình thủy lợi nhỏ và đang thi công xung yếu các địa phương theo dõi nắm sát tình hình nếu xảy ra sự cố thì có thể khắc phục ngay từ giờ đầu để tránh sự cố lớn.
Đỗ Hương