In bài viết

Chủ động ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) có Công điện số 05/CĐ-V01 gửi Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

25/06/2024 16:22
Chủ động ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất- Ảnh 1.

Chủ động ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Từ chiều tối ngày 24/6/2024 đến sáng ngày 26/6/2024, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Kèm theo mưa có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực trũng, thấp, các khu đô thị.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức nắm chắc tình hình diễn biến thiên tai; hướng dẫn, tuyên truyền người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại; Thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, không để bị động, bất ngờ, làm tốt nhiệm vụ "an dân". Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở: Chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; Triển khai tổ chức giao thông phù hợp, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông; Kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn và khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc thù địa bàn và tính chất thiên tai xảy ra; Làm tốt phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng để đưa vào đáp ứng ngay phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, báo cáo về tình hình, diễn biến, thiệt hại do thiên tai và công tác triển khai ứng phó của lực lượng Công an nhân dân về Văn phòng Bộ theo quy định (SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).