In bài viết

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới

(Chinhphu.vn) - Kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đã tiếp nối và làm rạng rỡ thêm truyền thống của ông, cha ta: "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo".

23/04/2010 17:07

Chiếc xe tăng 843 oanh liệt đã húc đổ cánh cửa Dinh Độc lập ngày 30/4/1975

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là biểu tượng tuyệt đẹp của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do", của tinh thần chiến đấu bền bỉ, kiên cường vì chân lý: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"! Kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đã tiếp nối và làm rạng rỡ thêm truyền thống của ông, cha ta: "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo".

Các thế hệ người Việt Nam yêu nước có quyền tự hào chính đáng đã ghi vào sử sách những chiến công thần kỳ trong cuộc chiến đấu đánh bại những tên thực dân, đế quốc sừng sỏ, hung hãn nhất trong thế kỷ 20. Song, điều lắng sâu trong tâm thức mỗi người là ý thức "xây nền thái bình muôn thuở"; là sự nhất quán "giữ mối bang giao hòa hiếu" như trong lời hịch "Ðại cáo bình Ngô".

35 năm đã qua, chỉ là một khoảnh khắc trong lịch sử hàng ngàn năm giữ nước và dựng nước của dân tộc ta, nhưng thật sự là cột mốc lịch sử cực kỳ quan trọng trên bước đường xây dựng và phát triển đất nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Với phương châm "gác lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai", đất nước ta ngày càng tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài cũng như của bạn bè quốc tế.

Từ năm 1990, Việt Nam mới có quan hệ ngoại giao với hơn 100 nước; có quan hệ thương mại với 110 nước và vùng lãnh thổ, đến nay đã có quan hệ với 180 nước và quan hệ thương mại với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vào cuối những năm của thập kỷ 80, thế kỷ 20, Việt Nam thiếu lương thực trầm trọng, nhưng từ năm 2001 lại đây, đã trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Từ tỷ lệ hộ nghèo là 57% trong năm 1990, nay hạ xuống còn hơn 20% theo tiêu chí quốc tế, trở thành quốc gia hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo...

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo
Dẫu biết rằng, đây đó còn nhiều điều bức xúc; vấn nạn tham nhũng, quan liêu vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, song không phải vì vậy mà bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước ta chỉ hoàn toàn là mầu ảm đạm như giọng lưỡi xuyên tạc, kích động của những người cố tình quay lưng lại sự nghiệp chính nghĩa của toàn dân tộc.

Ðông đảo các tầng lớp nhân dân ta đang sôi nổi hưởng ứng "Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; theo đó xuất hiện ngày càng nhiều thêm các phong trào thi đua yêu nước rộng lớn ở nhiều ngành, nhiều đơn vị, địa phương..., tạo ra động lực tinh thần to lớn, vượt qua nhiều khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, của thiên tai, bão lũ và dịch bệnh, đạt tốc độ tăng trưởng 5,32% trong năm 2009. Ðó là những biểu hiện sinh động của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời kỳ tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế.

Bài học của Ðại thắng mùa Xuân năm 1975 đã và đang cổ vũ chúng ta tiếp tục tận dụng và tạo dựng thời cơ, bồi đắp ý chí vượt qua sóng cả, đưa nước ta "nhanh chóng sánh vai với các cường quốc năm châu" - như điều mong ước nấu nung của Bác Hồ kính yêu.

Hồng Vinh

* Bài đã đăng trên báo Nhân Dân