Bà Trà đã tham khảo Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, nhưng không thấy quy định về đại diện theo pháp luật của công ty TNHH MTV Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Bà hỏi, Chủ tịch công ty có thể là đại diện theo pháp luật của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không? Quy định ở văn bản quy phạm pháp luật nào?
Bà Trà cũng nghiên cứu Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 5/12/2015) thì thấy quy định, Chủ tịch công ty không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc của công ty mình. Bà Trà muốn biết, vậy đến tháng 12/2017 khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại thì Chủ tịch công ty có còn được kiêm nhiệm Giám đốc không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 75; Khoản 2, Điều 78 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015), chủ sở hữu công ty TNHH MTV là tổ chức có quyền quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty (trong đó có quy định về người đại diện theo pháp luật của công ty). Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Khoản 1, Điều 81 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, Chủ tịch công ty có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá 5 năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, trừ trường hợp pháp luật, Điều lệ công ty có quy định khác.
Ngày 19/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (có hiệu lực kể từ ngày 5/12/2015).
Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8; Khoản 1, Điều 26 và Khoản 1, Điều 35 của Nghị định này quy định, người được bổ nhiệm giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc tại tập đoàn, tổng công ty, công ty mình và các doanh nghiệp khác.
Thời hạn giữ chức vụ người quản lý doanh nghiệp là 5 năm. Khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định phải tiến hành quy trình xem xét, bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 2 nhiệm kỳ tại một tập đoàn, tổng công ty, công ty.
Theo phản ánh của bà Trà, nhận thấy, vào thời điểm tháng 12/2012, pháp luật không cấm chủ sở hữu của Công ty TNHH MTV Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bổ nhiệm Chủ tịch công ty kiêm Giám đốc công ty.
Trong nhiệm kỳ 5 năm từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2017 của Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty, pháp luật về doanh nghiệp có sửa đổi, bổ sung; trong đó tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8 Nghị định số 97/2015/NĐ-CP quy định, Chủ tịch công ty TNHH MTV Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc tại công ty mình.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm Chủ tịch công ty kiêm nhiệm Giám đốc công ty được thực hiện trước khi có quy định không được kiêm nhiệm, vì vậy người được bổ nhiệm được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến hết thời hạn của nhiệm kỳ.
Khi hết nhiệm kỳ, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, được chủ sở hữu bổ nhiệm lại chức vụ Chủ tịch công ty nhiệm kỳ thứ hai, thì theo quy định, người được bổ nhiệm sẽ không còn được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc công ty.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.