In bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà giáo dục vĩ đại

(Chinhphu.vn) - Tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại, là người đã truyền cảm hứng và khích lệ chí hướng cho cả một dân tộc cũng như cho mỗi người. Tư tưởng giáo dục của Người luôn mang tính vượt thời gian và trường tồn, khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục trong việc rèn luyện nhân cách, phát triển con người toàn diện.

12/05/2025 21:41
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà giáo dục vĩ đại- Ảnh 1.

Tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất thời hiện đại, người truyền cảm hứng và khích lệ chí hướng cho cả dân tộc

Ngày 12/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ".

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025); 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư đầu tiên gửi học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo (15/9/1945 – 15/9/2025) và 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục, nay là Bộ GD&ĐT (28/8/1945 – 28/8/2025).

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại, là người đã truyền cảm hứng và khích lệ chí hướng cho cả một dân tộc cũng như cho mỗi người". Theo Bộ trưởng, ngay sau ngày tuyên bố độc lập, mặc dù không có một lời nào nói rằng giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện những tư tưởng vượt thời gian, mang tính trường tồn, đặt nền tảng cho giáo dục Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, từ khóa được đề cập nhiều nhất là "tự học" và "học tập suốt đời". Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tự học không chỉ là việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển ngoại ngữ, tiếp cận tri thức vô tận, mà một phương diện tự học rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phát triển con người và nhân cách. Đó là "tự giáo" - tự phát triển bản thân, tự tu, tự dưỡng, tự điều tiết, tự sỉ, tự nhục, biết hổ thẹn và phải liêm chính, để con người tự thay đổi, đáp ứng yêu cầu của cách mạng và thời đại. Đây là chiều sâu đặc sắc trong tư tưởng tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng quan trọng về nhân tính, thể hiện cái nhìn rất nhân bản về con người: "Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên". Theo Người, giáo dục không chỉ là việc truyền thụ kiến thức mà còn là quá trình rèn luyện đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, trong đó đức là nền tảng. Giáo dục nhằm phát triển con người một cách toàn diện gồm cả đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, chính. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà giáo dục vĩ đại- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ngành giáo dục sẽ tiếp tục vận dụng tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh để xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy tinh thần tự học, học tập suốt đời - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Giáo dục phải đi đôi với rèn luyện, học để làm người, học để phụng sự Tổ quốc và nhân loại". Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định giáo dục không chỉ nhằm nâng cao dân trí, mà còn là quá trình phát triển nhân cách, xây dựng nền tảng đạo đức vững chắc cho từng cá nhân.

Về những nội dung giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra, Bộ trưởng cho rằng Người vừa lấy con người làm trung tâm, vừa đặt dân tộc lên trên hết và đặt trong tầm nhìn trăm năm và tầm nhìn nhân loại. Không chỉ nhấn mạnh dân trí mà còn là dân khí, tinh thần của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Khát vọng của một dân tộc chỉ có thể được thực hiện bắt đầu bằng giáo dục, thông qua giáo dục. Sự phát triển của một dân tộc bắt đầu bằng sự phát triển của mỗi một thành viên của dân tộc đó, và đương nhiên các thành viên phải biết học và biết rèn luyện suốt đời".

Trong bối cảnh hiện đại, giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành giáo dục sẽ tiếp tục vận dụng tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh để xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy tinh thần tự học, học tập suốt đời, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân mới phát triển toàn diện.

Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp nội dung khoa học, xây dựng báo cáo kiến nghị để gửi tới các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương về phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh. 

Tuệ Lâm