Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Choi Bundo đánh giá cao chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính và cho rằng chuyến thăm rất thành công.
Chủ tịch Kocham kỳ vọng, sau chuyến thăm, hai nước đạt nhiều bước tiến mới trong lĩnh vực hợp tác kinh tế; trao đổi thương mại của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam sẽ có nhiều đột phá hơn nữa.
Theo đó, chuyến thăm không chỉ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, mà còn hình thành các tổ hợp công nghiệp đầu tư vào các ngành năng lượng và tái tạo mới, công nghệ mũi nhọn và trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng cùng đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc gặp với đại diện các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Huyndai, và LG. Tại các cuộc gặp này, nhà lãnh đạo Việt Nam đã quảng bá hình ảnh đất nước, con người, môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi của Việt Nam nhằm thu hút các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Theo ông Choi Bundo, việc Thủ tướng hai nước đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi.
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng trưởng vượt bậc trong 30 năm qua. Kim ngạch thương mại song phương không ngừng tăng từ 2 tỷ USD năm 2000 lên mức 79,4 tỷ USD vào năm 2023. Cả hai nước đều là đối tác thương mại lớn, đứng thứ 3 của nhau.
Đánh giá về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh, ông Choi Bundo cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng và giãn thời hạn nộp thuế cho các công ty đang gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, để thúc đẩy ngành du lịch, Việt Nam chính thức miễn visa 45 ngày cho công dân một số nước được nhập cảnh Việt Nam theo quy chế miễn thị thực.
Đặc biệt, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường minh bạch đối với thủ tục hành chính về cấp giấy phép đầu tư và quy định thể chế trong nhiều lĩnh vực khác thông qua áp dụng đăng ký thủ tục online trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Những biện pháp này giúp thúc đẩy tích cực cho hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư tại Việt Nam.
Tính đến nay, Việt Nam ký kết thành công và thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam–Hàn Quốc (VKFTA).
"Việc ký kết các hiệp định thương mại, kết hợp với chính sách cụ thể về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam phù hợp cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên dễ dàng hơn. Những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và hội nhập kinh tế đã gia tăng thêm nhiều cơ hội mới cho Việt Nam phát triển bền vững", ông Choi Bundo nhấn mạnh.
Chủ tịch Kocham bày tỏ hy vọng, trong bối cảnh các nhà đầu tư Hàn Quốc đang mở rộng các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa hỗ trợ về mặt thể chế, đáp ứng kịp thời theo sự thay đổi của môi trường đầu tư như việc các hồ sơ cấp phép đầu tư trong khuôn khổ thỏa thuận hiệp định đã ký kết giữa hai nước cần được giải quyết tích cực, nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường cải cách thủ tục cấp giấy phép lao động cho đối tượng lao động trẻ Hàn Quốc muốn ở lại Việt Nam làm việc, thẻ tạm trú, thủ tục hải quan và quy định hoàn thuế giá trị gia tăng.
Ngoài các ưu đãi hỗ trợ nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, Việt Nam cũng cần đề ra chính sách ưu đãi cho các công ty vừa và nhỏ. Đây cũng là những nhân tố đang góp sức vào nền kinh tế Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Ông Choi Bundo chia sẻ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm đến Việt Nam để mở rộng hoạt động đầu tư vào ngành liên quan tới năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Kocham có khoảng 500 doanh nghiệp hội viên đang hoạt động trong ngành dệt may, da giày và túi xách. Thị trường đầu tư chính mà các doanh nghiệp Hàn Quốc hướng đến chính là Hoa Kỳ và châu Âu.
Những người tiêu dùng tại Hoa Kỳ và châu Âu đang yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, gia công của Hàn Quốc tại Việt Nam sản xuất các sản phẩm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện mặt trời áp mái.
Do đó, Chủ tịch Kocham hy vọng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ chủ động tăng cường các biện pháp hỗ trợ quá trình cấp các giấy phép cần thiết cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc thực hiện các dự án chuyển đổi xanh theo yêu cầu thị trường quốc tế.
Về việc hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao, phía Hàn Quốc đang xúc tiến thực hiện nhiều hoạt động đa dạng khác nhau. Cụ thể, các cơ sở chuyên môn về đào tạo giáo dục của các công ty lớn của Hàn Quốc cũng từng trực tiếp đến Việt Nam để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Ngoài ra, các chuyên gia với hàng chục năm kinh nghiệm tích lũy về kỹ thuật sản xuất ở Hàn Quốc cũng đã đến Việt Nam để chia sẻ lại kinh nghiệm của mình.
"Tôi tin rằng những nỗ lực trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của các công ty Hàn Quốc sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển bền vững và toàn diện của Việt Nam. Và trong tương lai, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng vì điều này", Chủ tịch Kocham chia sẻ.
Kocham luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ cho từng doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, thúc đẩy sự đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam thông qua các hoạt động tương tác các cơ quan địa phương, Chính phủ Việt Nam, các tổ chức kinh tế và hiệp hội nước ngoài khác, ông Choi Bundo nhấn mạnh./.
Thùy Dung