Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức với sự tham dự của trên 500 đại biểu, doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế và doanh nghiệp, Việt Nam vẫn giữ được ổn định vĩ mô, kinh tế phục hồi tốt sau đại dịch. Đặc biệt, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, môi trường đầu tư kinh doanh trung và dài hạn được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, cơ hội đầu tư tại Việt Nam rất rộng mở. Đó là lý do giúp Việt Nam thu hút được 400 tỷ USD vốn đăng ký từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, lọt nhóm 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu thế giới. Doanh nghiệp Hàn Quốc là đối tác hàng đầu của Việt Nam về FDI với khoảng 80 tỷ USD vốn đăng ký, đứng thứ 2 về thương mại với tổng kim ngạch năm 2022 đạt khoảng 90 tỷ USD, phấn đấu 2030 sẽ đạt 150 tỷ USD.
Lạc quan nhìn về tương lai với niềm tin mới, động lực mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển mạnh mẽ hòa trong dòng chuyển động của cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu về chuyển đổi nền kinh tế số, tăng trưởng xanh với năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... Tất cả hợp tác đều vì sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bày tỏ mong muốn sau diễn đàn này, hợp tác doanh nghiệp sẽ có sinh khí mới, đóng góp vào quan hệ hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ với các doanh nghiệp khát vọng Việt Nam phát triển hùng cường đến năm 2045. Theo đó, Việt Nam tập trung vào chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để hội nhập sâu rộng, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chuyển sang hợp tác với nguồn FDI có chất lượng cao.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cũng đã nêu một số gợi mở về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và doanh nghiệp hai nước trong 30 năm tới. Theo đó, hai nước cần tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng để đảm bảo an ninh về kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan, phân hóa kinh tế trên toàn cầu. Mở rộng hợp tác trong thương mại, nhất là tháng 2 năm nay, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực tại Hàn Quốc. Để hỗ trợ hợp tác tư nhân giữa hai nước, Chính phủ Hàn Quốc tăng cường đối thoại theo cơ chế chính phủ và nâng cao năng lực tăng cường tài chính thương mại, đổi mới các quy định về thuế và các nền tảng hợp tác khác. Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho tin tưởng: "Nếu có sự cố gắng của Chính phủ và khối tư nhân của hai nước thì năm 2023, quy mô thương mại song phương có thể sẽ đạt 100 tỷ USD".
Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống về sản xuất, cơ sở hạ tầng, du lịch, Phó Thủ tướng Hàn Quốc cũng cho rằng hai nước cần nâng cấp hợp tác về kinh tế xanh và kinh tế số và các ngành công nghiệp mới. Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ với Việt Nam trong các lĩnh vực Smart City, ICT, năng lượng tái sinh mới, hạ tầng môi trường và cùng với Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư giao lưu công nghệ, giao lưu nguồn nhân lực.
Với các tiềm năng phát triển cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cơ cấu dân số của Việt Nam cũng rất, Phó Thủ tướng Hàn Quốc cho rằng đây chính là những điều hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc hơn bao giờ hết. Trên nền tảng hợp tác và khí thế mới, ông tin tưởng tại diễn đàn này, các doanh nghiệp hai nước sẽ đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nên thành tựu hợp tác giữa hai đất nước trong 30 năm tới.
Tại diễn đàn doanh nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hàn Quốc đã chứng kiến lễ ký kết và trao 15 văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp, địa phương hai nước trong nhiều lĩnh vực.
* Sáng 6/12, sau khi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi Tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn Hàn Quốc trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm tới các cơ chế, chính sách mới nhất liên quan đến đầu tư, thương mại đặc biệt trong các lĩnh vực như chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, xe ô tô điện, đầu tư tài chính, logistics, đa dạng hóa chuỗi giá trị, văn hóa, truyền thông số,...
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến thị trường Việt Nam; đánh giá cao môi trường đầu tư và những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; tin tưởng vào những biện pháp quyết liệt, hiệu quả của Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô, ứng phó với các sự cố bất thường,... Nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc khẳng định tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư, tái đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch nước hoan nghênh và khuyến khích các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực là ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới như: Công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; đồng thời mong muốn có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam...
* Cũng trong sáng 6/12, tại Thủ đô Seoul, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo; tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc là Hyosung, Samsung Electrics và Ngân hàng KDB.
theo TTXVN