Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ được vinh dự đón nhận danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân (NSND)", "Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT)" tại buổi Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã trang trọng diễn ra sáng nay (6/3) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Dự buổi lễ còn có các đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 Nguyễn Văn Hùng.
Cùng dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương; đại diện UBND TP. Hà Nội; các thành viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và đông đảo nghệ sĩ, đại diện gia đình các cố nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu lần này.
389 nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, trong đó, có 125 nghệ sĩ được trao tặng, truy tặng NSND; 264 nghệ sĩ được tặng, truy tặng danh hiệu NSƯT. Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với các văn nghệ sĩ.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm trân trọng, mến mộ các nghệ sĩ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi tới các nghệ sĩ lời thăm hỏi thân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam cũng có thể được xem là lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa nghệ thuật, bởi lẽ chính thông qua lao động, dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa tốt đẹp và các loại hình nghệ thuật độc đáo để phản ánh những nhịp điệu của lao động, của đoàn kết, của tình yêu thương, lòng dũng cảm trong chống lại thiên tai, địch họa và những ước mơ tươi đẹp về cuộc sống.
Trên nền tảng yêu nước và nhân văn, các loại hình văn hóa nghệ thuật đã ca ngợi tình yêu con người, tình yêu đất nước, khơi dậy và cổ vũ ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa nghệ thuật từ một hình thái ý thức xã hội đã chuyển hóa thành sức mạnh vật chất giúp nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước, đưa non sông về một mối, cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng con người mới, đời sống mới.
Sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước chính là nguồn cảm hứng bất tận và là động lực lớn lao cho đội ngũ nghệ sĩ tài năng, mẫn cảm, luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo nghệ thuật phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, chinh phục được nhiều đối tượng công chúng.
Các nghệ sĩ ở mỗi loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ, phương thức biểu đạt riêng đã tạo nên nhiều tác phẩm hay làm cho đời sống văn hóa nghệ thuật ngày càng giàu màu sắc, phản ánh sinh động thực tiễn đổi mới vĩ đại của đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng con người đến các giá trị tốt đẹp chân, thiện, mỹ, góp phần quan trọng xây dựng nền tảng tinh thần xã hội.
Chủ tịch nước khẳng định, các NSND, NSƯT thực sự là "vốn quý của đất nước", dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Trong buổi Lễ trang trọng này, Chủ tịch nước đề nghị cùng nhau tri ân các thế hệ nghệ sĩ tài năng đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; cùng nhau dành những tình cảm quý trọng nhất, sâu sắc nhất, chân thành nhất đến các nghệ sĩ luôn tâm huyết, tận tụy với nghề, bằng tài năng nghệ thuật và tình yêu con người, tình yêu đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, lao động, sáng tạo bền bỉ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, có những nghệ sĩ đã không còn nữa để nghe tên mình được xướng lên tại Lễ vinh danh này.
Chủ tịch nước cho rằng, bối cảnh mới, thời cơ mới đan xen nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao cho các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất chính là: Phát huy giá trị tốt đẹp của văn hoá con người Việt Nam, bồi đắp phẩm chất công dân, phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới, cổ vũ khát vọng và ý chí vươn lên, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm say mê lao động, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo; nêu cao niềm tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.
Đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm tòi thử nghiệm các phương thức biểu đạt mới phù hợp với văn hóa Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới, có nhiều tác phẩm hay, truyền tải những giá trị nhân văn, tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nghệ thuật và các nghệ sĩ; tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật, say mê cống hiến với ý thức đầy đủ về khó khăn, thách thức và cơ hội trong phát triển, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có chính sách phù hợp để chăm lo các nghệ sĩ, đảm bảo để các nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. Coi trọng công tác bồi dưỡng tài năng trẻ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt lớp kế cận.
Tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, thúc đẩy đời sống dân chủ lành mạnh. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, khuyến khích nghệ sĩ thâm nhập thực tế, dấn thân vào thực tiễn rộng lớn, sinh động của đời sống xã hội, khám phá, khai thác các giá trị, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, đưa nghệ thuật truyền thống tiến cùng thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ, lớn lao của toàn dân tộc.
Khuyến khích nghệ sĩ tham gia các hoạt động văn hóa đối ngoại, đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới, nâng cao sức hấp dẫn của văn hóa dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bồi đắp thêm sự giàu có của nền văn hóa Việt Nam.
Kịp thời tôn vinh, khen thưởng xứng đáng với cống hiến, lao động của người nghệ sĩ. Rà soát kỹ lưỡng để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng, các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau vững chắc với năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng và tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, đội ngũ nghệ sĩ nước nhà sẽ sáng tạo nên nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, mang tầm thời đại, xây đắp nền tảng tinh thần xã hội, đóng góp to lớn hơn nữa trên hành trình đi tới của dân tộc.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về trao tặng danh hiệu cao quý NSND, NSƯT cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kể từ đợt 1 được tổ chức năm 1984, trải qua 9 lần tổ chức, đã có 452 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, 2621 nghệ sĩ được trao tặng NSƯT; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bộ VHTTDL luôn thực hiện nghiêm quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng thời, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng theo hướng cải cách hành chính; bảo đảm điều kiện thuận lợi cho các cá nhân trong quá trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Công tác xét tặng được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục hồ sơ quy định tại Nghị định 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Các hồ sơ đề nghị xét trải qua qua 3 cấp hội đồng là Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Bộ/tỉnh và Hội đồng cấp Nhà nước. Hội đồng cấp trên chỉ xét các hồ sơ do hội đồng cấp dưới trình.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, so với các lần xét tặng trước, công tác xét tặng lần này có nhiều điểm mới. Nghị định số 40/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn giải thưởng trong danh hiệu; bổ sung việc xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; quy định rõ cách tính thời gian hoạt động chuyên nghiệp…
Ở lần xét tặng này, Hội đồng cấp Nhà nước đã nhận được 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.
Căn cứ theo quy định của pháp luật, Hội đồng đã họp bỏ phiếu. Theo đó, đã có 136 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 347 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đủ điều kiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.
Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, trách nhiệm cao của các cấp Hội đồng, công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chủ tịch nước đã ký các Quyết định về phong tặng NSND, NSƯT. Cụ thể, 125 NSƯT được phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND; 264 nghệ sĩ được tặng, truy tặng danh hiệu NSƯT.
Diệp Anh