Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1957, tiền thân là Đại học Văn khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn; Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện Trường đang đào tạo 34 ngành bậc đại học, 34 ngành bậc thạc sĩ, 18 ngành bậc tiến sĩ trong 9 lĩnh vực, với gần 17.000 sinh viên và học viên sau đại học. Đến nay, trường đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hơn 80.000 cử nhân khoa học, hơn 6.000 thạc sĩ và trên 600 tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Báo cáo về hoạt động của nhà trường, PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhà trường là trung tâm nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất miền Nam. Với đội ngũ 901 viên chức, người lao động, trong đó 519 giảng viên (4 giáo sư, 39 phó giáo sư, 239 tiến sĩ, 382 thạc sĩ); là nơi hội tụ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Ở phía nam, trường là đơn vị tiên phong trong việc khai mở ra các ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới, đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường thu hút sinh viên và học viên quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đến học tập, nghiên cứu dài hạn và hàng nghìn lượt học viên đến học tập, nghiên cứu ngắn hạn. Hợp tác quốc tế cũng là một điểm mạnh của trường, với mối quan hệ đối tác với hơn 250 trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm của một cựu sinh viên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lời thăm hỏi chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các cô giáo, thầy giáo của nhà trường - những người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Chia sẻ về quãng thời gian là sinh viên của trường, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, bản thân cùng các sinh viên đã được học tập với những thầy cô giáo đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của sinh viên, với kiến thức sâu rộng và nhân cách mẫu mực. Những thành công có được của lớp sinh viên ngày ấy, trong đó có cá nhân Chủ tịch nước, có phần từ công lao dạy bảo của các thầy cô giáo.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, với hơn 65 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ của nhà trường luôn được bổ sung, phát triển về số lượng và năng lực, trình độ, chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy. Nhiều giáo sư, tiến sĩ đạt nhiều danh hiệu khoa học giáo dục cao quý trong và ngoài nước, được sinh viên và xã hội tin yêu, kính trọng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Khát vọng và tầm nhìn ấy chỉ có thể thành hiện thực bền vững khi có nền tảng khoa học và giáo dục chất lượng. Trong đó, khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng, bởi đó là khoa học về con người, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến con người, giúp cho con người trở nên ưu tú hơn, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển, để xã hội ngày càng tốt đẹp.
Nói đến vai trò của đội ngũ trí thức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá. Trong đó, nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ là truyền thụ tri thức, tạo ra tri thức mới phục vụ sự tiến bộ, phồn vinh và hạnh phúc của xã hội, mà còn có nhiệm vụ chuẩn bị cho con người - nguồn nhân lực của xã hội có đủ phẩm chất và năng lực hành động, sáng tạo và thích ứng trong một thế giới không ngừng biến động, phức tạp, khó lường.
Đề cập đến các mục tiêu, phương hướng phát triển của nhà trường, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề kiên trì đổi mới tư duy và hành động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, khẳng định vị thế của nhà trường trong nước, trong khu vực và quốc tế. Trong đó, nội dung, chương trình giảng dạy và nghiên cứu phải thiết kế theo hướng giữ gìn nền tảng học thuật, tiếp cận hiện đại, thiết thực, sáng tạo, phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Chú trọng khoa học cơ bản, hàn lâm, học thuật đồng thời cũng hình thành các nhóm nghiên cứu mới hướng về những nội dung mang tính ứng dụng, thể hiện sự đa dạng của giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là trong nhận thức về khoa học xã hội và nhân văn đa ngành, liên ngành, xuyên ngành như hiện nay. Chủ động, nghiên cứu, đề xuất, cung cấp các giải pháp, các luận cứ khoa học vừa mang tầm chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp bách để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra của thực tiễn đất nước trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Cùng với đó, nhà trường tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho những ngành, lĩnh vực, những bộ môn đặc thù, quan trọng và cần thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ đó, góp phần giải quyết một thách thức đặt ra hiện nay là sự thiếu hụt lực lượng trí thức tinh hoa, chuyên gia, các nhà khoa học, trí thức đầu ngành, nhất là ở một số lĩnh vực trọng yếu của khoa học xã hội và nhân văn.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đề nghị nhà trường lưu ý đến các vấn đề về đổi mới quản lý, quản trị nhà trường theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp và hiện đại; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, trình độ cao, có năng lực sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý với đội ngũ; chú trọng đặc biệt tới giáo dục phẩm chất, phát triển năng lực cần thiết cho sinh viên…
Thăm Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thực hiện nghi thức dâng hoa tại Không gian truyền thống Phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh tại trường; thăm lớp học của Khoa Báo chí và Truyền thông; trồng cây lưu niệm tại trường… Đặc biệt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm và trò chuyện với giảng viên Khoa Triết học, nơi cách đây hơn 30 năm, Chủ tịch nước và các sinh viên đã được học với những thầy cô giáo đầy nhiệt huyết, dành nhiều quan tâm đến sự tiến bộ của sinh viên.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao học bổng trị giá 100 triệu đồng cho chương trình Khuyến học khuyến tài của nhà trường; trao 20 suất học bổng cho sinh viên tiêu biểu của Trường.
Cũng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm, chúc mừng PGS.TS. Vũ Tình - Giảng viên cao cấp, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nguyên Giám đốc Trung tâm Lý luận chính trị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. PGS.TS. Vũ Tình là tác giả, đồng tác giả nhiều sách chuyên khảo, tham khảo; đồng thời là đồng chủ biên, đồng tác giả nhiều giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là những giáo trình đã và đang được sử dụng giảng dạy bậc đại học và sau đại học trên phạm vi toàn quốc, như: “Giáo trình Lịch sử Triết học”, “Giáo trình Triết học Mác-Lênin”, “Giáo trình Triết học”, “Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác -Lênin”, “Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh”. PGS.TS. Vũ Tình đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen về thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học./.
Theo TTXVN