In bài viết

Chủ tịch Quốc hội: Cần có giải pháp để giảm được số lượng đơn thư 'đầu vào'

(Chinhphu.vn) - Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

13/09/2022 19:21
Chủ tịch Quốc hội: Cần có giải pháp để giảm được số lượng đơn thư 'đầu vào'   - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội: Phải có định hướng, giải pháp để giảm được số lượng đơn thư 'đầu vào' - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Cho ý kiến về các nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các báo cáo, ghi nhận sự đánh giá kỹ lưỡng của các cơ quan chủ trì thẩm tra; các báo cáo đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, phải có định hướng, giải pháp để giảm được số lượng đơn thư "đầu vào". Để làm được điều này, cần sự tổng hợp các giải pháp căn cơ, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường vai trò của hệ thống chính trị trong lĩnh vực này, kể cả luật pháp về hòa giải, thương lượng đối với những vấn đề dân sự, giải pháp liên quan đến đối thoại đối với những vấn đề về hành chính. Ngoài ra, cần có biện pháp cụ thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vì khiếu nại, tố cáo là quyền của người dân.

Nêu thực tế tại một số địa phương có tình trạng gửi đơn thư nhiều lần làm tăng số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Nếu các cơ quan, bộ, ngành địa phương đã cơ bản giải quyết xong thì nên chăng cần có thông báo hướng dẫn để người dân thực hiện qua hình thức tố tụng dân sự, hành chính? Gắn với đó là tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Kết luận nội dung thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao trong kỳ báo cáo. Nhìn chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm, các giải pháp, biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, của ngành tòa án, kiểm sát trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Những kết quả tích cực đã đạt được góp phần duy trì sự ổn định của tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nhận định đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cũng như những giải pháp được đề cập trong các báo cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội. Trong đó, chú ý các nội dung: Tổng hợp, báo cáo đầy đủ hơn về nội dung tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm số liệu đủ 12 tháng để trình Quốc hội theo quy định; đánh giá, làm rõ thêm tình hình, đặc điểm khiếu nại, tố cáo năm 2022; phân loại, làm rõ những việc mới phát sinh, những việc còn tồn đọng từ các năm trước, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, trách nhiệm và giải pháp xử lý trong thời gian tới. Ngành tòa án, kiểm sát cần có giải pháp giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra.

Lê Sơn