Đón Chủ tịch Quốc hội và Đoàn tại sân bay quốc tế Hazrat Shahjalal, Thủ đô Dhaka có: Nghị sĩ-hàm Bộ trưởng Iqbalur Rahim; Tổng Thư ký Quốc hội Bangladesh K.M. Abdus Salam; Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Nguyễn Mạnh Cường cùng cán bộ Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp nước ta tới Bangladesh và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta kể từ năm 2018. Là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất giữa Việt Nam và Bangladesh trong thời điểm lịch sử khi hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội không chỉ thúc đẩy, mở ra trang mới trong quan hệ giữa Quốc hội hai nước mà còn củng cố, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả, thực chất giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Bangladesh, hội kiến Tổng thống Bangladesh; phát biểu chính sách tại Học viện Ngoại giao; dự và phát biểu tại Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hai nước; tiếp lãnh đạo các Đảng chính trị, Hội Hữu nghị Bangladesh-Việt Nam; thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng Việt Nam tại Bangladesh.
Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ dành thời gian tiếp các doanh nghiệp Bangladesh hiện đang đầu tư hoặc mong muốn đầu tư tại Việt Nam; thăm cơ sở kinh tế tại Dhaka…
Bangladesh và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. 50 năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Bangladesh đã ngày càng được củng cố, phát triển trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, an ninh quốc phòng…
Từ cuối năm 2021 đến nay, kinh tế Bangladesh dần phục hồi sau đại dịch COVID-19 và duy trì tốt đà tăng trưởng. Năm 2022, theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, Bangladesh được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới xét về quy mô và thứ 25 trên thế giới theo sức mua tương đương.
Về đối ngoại, Chính phủ Bangladesh tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại “làm bạn với tất cả”, với trọng tâm là coi trọng và duy trì quan hệ láng giềng, truyền thống tốt đẹp với các nước trong khu vực, duy trì chính sách ngoại giao cân bằng với các nước lớn nhằm phục vụ phát triển đất nước. Với ASEAN, Bangladesh mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với tất cả các nước thành viên và đang đề xuất thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực với ASEAN.
theo Đại biểu nhân dân