Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và phát biểu của đại diện các cơ quan hữu quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận, nhấn mạnh hơn 35 năm qua, nhất là sau 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa tỉnh từ xuất phát thấp vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với nhiều thành tựu nổi bật và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch COVID-19, Vĩnh Long tiếp tục huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Vĩnh Long xếp hạng 6/63 tỉnh thành trong cả nước.
Đặc biệt, trên 95% doanh nghiệp trong khu công nghiệp và hơn 89% doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đã hoạt động trở lại sau dịch bệnh là tiền đề để tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, yếu tố rất quan trọng để Vĩnh Long tiếp tục phục hồi và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022…
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. An sinh xã hội được bảo đảm, nhất là hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh; giải quyết việc làm mới cho lao động đạt 117,2% kế hoạch. An ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm 15,6%.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp được thực hiện chủ động, trong đó có nhiều đóng góp trong triển khai công tác giám sát (như đối với 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tiếp xúc cử tri, đối thoại, giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục; thương mại, dịch vụ có tín hiệu phục hồi tốt. Sản xuất nông nghiệp - thủy sản phát triển khá, các kênh phân phối, lưu thông hàng hóa nông sản, tiêu dùng… được khơi thông. GRDP quý I tăng 4,68% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp liên tục có mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước (Chỉ số sản xuất công nghiệp IPP quý I tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021).
Cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh đề ra cho thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Vĩnh Long tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Vĩnh Long cần đặc biệt quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng và khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và quan tâm đến công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến 2020 trên cơ sở bám sát Quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt và các quy hoạch ngành quốc gia.
Tỉnh quan tâm tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, y tế, sớm khắc phục những yếu kém, hạn chế của "vùng trũng" y tế, giáo dục; đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Vĩnh Long cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất gắn với đầu tư các công trình thủy lợi, kiểm soát lũ.
Nêu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước là nhằm hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến Nghị quyết về "tam nông", về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã làm giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra hay việc thực hiện tốt Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) sẽ góp phần để Vĩnh Long phát huy tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, phát triển dịch vụ, du lịch…
theo TTXVN