Bác Hồ và Bác Tôn tham dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá I (từ ngày 29/12/1956 đến 25/1/1957) |
Thực ra từ đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam đã tiến cử đại biểu Quốc hội người Nam Bộ Tôn Đức Thắng vào cương vị Phó ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đề nghị ông tham gia phái đoàn Quốc hội sang thăm Quốc hội Pháp (tháng 5-6/1946), dự đàm phán Pháp-Việt ở Fontainebleux (tháng 7-8/1946).
Còn nhớ kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ở Hà Nội, trong phiên họp ngày 8/11/1946, khi Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh nói lời từ chức, để Quốc hội lựa chọn người đứng ra thành lập Chính phủ mới; lập tức đại biểu Nam Bộ Tôn Đức Thắng đứng lên phát biểu giới thiệu Cụ Hồ Chí Minh “là người xứng đáng hơn ai hết, đứng ra thành lập Chính phủ mới”. Việc làm của đại biểu Nam Bộ Tôn Đức Thắng đã chặn đứng âm mưu của phái hữu muốn tiếm chiếm vị trí người cầm cương vận mệnh Tổ quốc lúc lâm nguy.
Bước vào kháng chiến toàn quốc, nghị sĩ dân cử Tôn Đức Thắng đảm đương thêm 2 chức vụ mới là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (5/1947-11/1947) và Thanh tra đặc biệt toàn quốc (8/1947). Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960). Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa II, Tôn Đức Thắng cùng nhiều đại biểu Nam Bộ khác được lưu nhiệm và tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II (tháng 7/1960), cựu Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng được cử làm Phó Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ tháng 9/1969 thực hiện điều vinh quang “kế tiếp chức vụ của Hồ Chủ tịch” cho đến khi đất nước thống nhất, Bắc-Nam liền một dải. Cuộc bầu cử Quốc hội chung cả nước lần thứ 2 (năm 1976) đưa đến thành lập Quốc hội thống nhất và Quốc hội khóa VI trong năm ấy đã quyết định thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội này, cụ Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm đầu làm Chủ tịch nước đã tuyên bố “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Kế nhiệm vị trí quyền lực lãnh tụ tối cao của quốc gia, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng chỉ “thích vị trí một đảng viên cộng sản như mọi đảng viên, thích vị trí công dân trung thực, lương thiện, cố mang điều tốt, cố mang niềm vui, cố giảm nỗi đau cho đồng bào”.
Giữa lúc đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt (tháng 3/1964) - một Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử dân tộc; từ đó một cao trào thi đua được phát động "Mỗi người làm việc bằng hai, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam", đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến giai đoạn phát triển hào hùng nhất. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc năm 1979, trước đạo quân 60 vạn người từ phía bắc tràn sang xâm lược Việt Nam, ngày 5/3/1979 Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký Sắc lệnh 29/LCT ra lệnh tổng động viên trong cả nước đứng lên chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của khối đoàn kết toàn dân, nhất là đoàn kết Bắc-Nam; Chủ tịch Tôn Đức Thắng chính là hiện thân của tình đoàn kết dân tộc ấy. Từ năm 1946 bắt đầu tham gia vào lãnh đạo khối đoàn kết toàn dân, đến năm 1980 khi qua đời, Chủ tịch Tôn Đức Thắng trải qua 27 năm liên tục làm công tác Mặt trận (từ Phó hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam 1946-1951, đến Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Mặt trận Liên Việt 1951-1955, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 1955-1977 và Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 1977-1980). Bác Tôn luôn luôn nhắc đến lời dạy mang tính chân lý lịch sử của Bác Hồ: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công". Năm 1960 trong phát biểu chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc câu thơ dạt dào tình nghĩa bạn bè quốc tế: “Quan sơn muôn dặm một nhà; Bốn phương vô sản đều là anh em!”. Năm 1964, phát biểu tại Hội nghị Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước ở Hà Nội, Bác Tôn kết thúc bằng câu thơ giản dị và chí tình: "Nam Bắc hai miền chung đại nghĩa; Năm châu bốn biển một gia đình”.
Bác Hồ thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội gắn Huân chương Sao vàng cho Bác Tôn (ngày 19/8/1958) |
Dù là Chủ tịch nước, Trưởng ban Thường trực Quốc hội hay Chủ tịch Mặt trận, Bác Tôn vẫn luôn sống một cuộc sống khiêm tốn và giản dị, nhân từ và đức độ, trung thực và nghĩa tình khiến cho mọi lớp tuổi đều nhìn thấy ở Bác Tôn một người anh cả, một người cha, một người ông trong gia đình. Được tin có người bạn tù cũ đang công tác ở Nông trường Lương Sơn (Hòa Bình), Bác Tôn tự mình đến thăm mà không chờ bạn đến với mình, bởi nghĩ “làm Chủ tịch nước, họ ngại nên tôi phải đến gặp trước". Được tặng Giải thưởng Lenin "Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc" có kèm theo mười vạn rúp, Chủ tịch Tôn Đức Thắng ủng hộ số tiền này cho Phong trào bảo vệ thiếu nhi thủ đô. Đi thăm Liên Xô, bạn đưa một vạn rúp để mua quà, Chủ tịch Tôn Đức Thắng chỉ mua một chiếc cối xay hạt tiêu tặng vợ, còn lại đem gửi trả bạn vì không dùng đến. Sống giữa thủ đô, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vẫn có một bộ đồ nghề chữa xe, ngày nghỉ thì tự sửa chữa, lau chùi chiếc xe đạp thường dùng, sửa chữa đồ dùng trong gia đình, tự sửa chiếc radio bị hỏng… Trung ương từng ba lần thu xếp cấp nhà riêng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lần nào Bác Tôn cũng kiên quyết từ chối, vì quen nếp sống giản dị, bình dân và liêm khiết.
Bác Tôn thường nói ít, phát biểu ngắn gọn, đi vào công việc cụ thể, thiết thực, không lý luận dài dòng, mà vẫn thể hiện được những điều cốt lõi trong quan điểm, đường lối của Đảng. Mọi công việc từ nhỏ đến lớn đều được Bác Tôn giải quyết một cách điềm tĩnh, nhẹ nhàng và chắc chắn. Trong buổi lễ trọng thể mừng thắng lợi tại Dinh Thống Nhất ở Sài Gòn (ngày 15/5/1975), Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhắc đến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như nhắc nhở chính mình phải thay Bác Hồ “đi khắp hai miền Nam, Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý".
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê Nghệ An 2 lần (tháng 6-1957 và tháng 12-1961); Người mặc bộ quần áo ka ki, đi đôi dép cao su; lãnh đạo Nghệ An mời về nhà khách nghỉ, Bác Hồ nói đôn hậu: - Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà. Ngồi ăn cơm, Bác Hồ lấy chai rượu đem theo rót ra chén “mời các chú một chén rượu khai vị của Bác”; rồi lấy ra gói cơm độn bắp cắt sẵn 4 miếng mời mọi người cùng ăn… Chủ tịch Tôn Đức Thắng về thăm quê ở Cù lao Ông Hổ chỉ 1 lần (tháng 10/1975); Người mặc bộ bà ba bạc màu và yêu cầu hết sức hạn chế xe đưa, xe đón vì "sợ hao phí tiền của và công sức của Nhà nước và nhân dân". Con cháu kể lại lần gặp gỡ ấy, Bác Tôn nói: "Hôm nay Đảng và Nhà nước cho phép tôi về thăm quê nhà. Chưa bao giờ tôi thấy sung sướng như lúc này, khi cả nước được độc lập, tự do, Bắc-Nam thống nhất". Chỉ sau khoảng 45 phút gặp mặt bà con dòng họ tại ngôi nhà gỗ, Bác Tôn "xin phép" giã từ bởi “còn đi lo việc nước" - ra Hà Nội chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI.
Rất khiêm tốn và giản dị, hầu như không bao giờ nói về công lao của mình, Bác Tôn “là con người hành động, hành động tiên phong” ít nói về cá nhân mình “đến nỗi lớp hậu thế phải vô cùng chật vật để tìm đôi chút tư liệu phác lại cuộc đời con người ấy”. Người kế nhiệm như Chủ tịch Tôn Đức Thắng mới thực sự xứng đáng với tâm đức và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.