In bài viết

Chủ tịch TPHCM đốc tiến độ các dự án trọng điểm

(Chinhphu.vn) - Trực tiếp đi kiểm tra một số dự án giao thông lớn, quan trọng trên địa bàn, Chủ tịch TPHCM Lê Hoàng Quân đã đưa ra mốc thời gian cụ thể cho từng vấn đề, hạng mục chậm tiến độ và yêu cầu các đơn vị phải bám sát để hoàn thành dự án.

31/05/2015 12:03

Tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn trên cao đang được triển khai khẩn trương để có thể đưa vào sử dụng năm 2018. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Về tuyến đường sắt đô thị số 1, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, đến thời điểm này, dự án vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể, tại gói thầu 1a “Xây dựng đoạn đi ngầm từ nhà ga Bến Thành đến Nhà hát thành phố”, hiện đã lập xong thiết kế và hồ sơ mời thầu gửi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Tuy nhiên, chưa thể triển khai đấu thầu do quy trình xem xét thẩm tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán của Luật Xây dựng mới có sự thay đổi. Thêm vào đó, việc xem xét, thay đổi lại vị trí tháp thông gió và trung tâm thương mại ngầm khiến kế hoạch thực hiện gói thầu đã bị chậm 5 tháng.

Ngoài ra, việc xin phép di dời 18 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng phục vụ thi công lối vào công trường; phân luồng giao thông thực hiện gói thầu 1b; di dời 3 hộ dân để xây dựng trạm biến thế Bình Thái cung cấp điện cho dự án cũng như thỏa thuận với Bộ Thông tin và Truyền thông về thời điểm tính chi phí tần số vô tuyến đang là những vướng mắc hiện nay.

Theo ông Cường, công tác thi công toàn tuyến đang được triển khai khẩn trương. Dự kiến đoạn trên cao từ Tân Cảng - Suối Tiên (dài 17 km) có thể hoàn thành vào cuối năm 2018 để đưa vào vận hành sớm.

Tại dự án mở rộng xa lộ Hà Nội với chiều dài toàn tuyến 15,7 km dù được khởi công từ tháng 4/2010, nhưng đến nay đơn vị thi công mới triển khai đạt 47% khối lượng. Theo đại diện tổng thầu thi công, khó khăn nhất đối với dự án đó là công tác giải phóng mặt bằng một số hộ dân trên địa bàn Quận 2, Quận 9 và tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, do trùng lắp với mặt bằng thi công tuyến đường sắt số 1 nên công tác thi công cũng bị ảnh hưởng nhất định.

Đối với dự án xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi hay còn gọi là đường vành đai ngoài, cũng vẫn còn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Dự án được triển khai từ năm 2008 và theo kế hoạch hoàn thành năm 2012. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới hoàn thành 91,2% phần đường và 81,4% hào kỹ thuật.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, vướng mắc của công trình này ngoài việc còn 17 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để thi công thì còn gặp khó khăn khi phải di dời các công trình ngầm.

Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Sau khi lắng nghe những khó khăn mà các đơn vị gặp phải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, đây là những dự án giao thông lớn, trọng điểm của Thành phố. Việc cả 3 dự án đều không đảm bảo tiến độ ban đầu đã ảnh hưởng lớn đến giao thông của người dân và sự phát triển của TPHCM.

Để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng các công trình quan trọng này, ông Quân đã đưa ra mốc thời gian cụ thể cho từng vấn đề, hạng mục chậm tiến độ và yêu cầu các đơn vị phải bám sát để hoàn thành dự án.

Ông Lê Hoàng Quân cũng nhất trí với đề xuất của Ban Quản lý dự án đường sắt về việc đưa vào khai thác đoạn Tân Cảng-Suối Tiên trước mốc thời gian hoàn thành toàn tuyến (năm 2020); đưa ra mốc hoàn thành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội vào giữa năm 2016 và dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi vào 30/4/2016.

Ông Quân đề nghị cần xem xét kỹ những trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Đối với những trường hợp là đất lấn chiếm mà cố tình chưa chịu bàn giao, lợi dụng chính sách đền bù để trục lợi thì cần cưỡng chế theo đúng quy định.

Cùng với việc đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn trong thi công. Sở Giao thông vận tải cần tính toán, triển khai ngay việc xắp xếp, tổ chức lại các đầu mối giao thông để khai thác tối đa hiệu quả sau khi tuyến đường sắt số 1 đi vào hoạt động. Đồng thời, cùng với Ban Quản lý dự án đường sắt triển khai thành lập công ty khai thác để có thể tổ chức vận hành tuyến đường sắt đầu tiên của Thành phố.

Mạnh Hùng