Ảnh minh họa |
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo 01/TB-VPCP về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.
Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã chủ động triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Để làm tốt công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, địa bàn để có kế hoạch, biện pháp cụ thể, phối hợp chặt chẽ, đấu tranh có hiệu quả nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Đồng thời có phương án phù hợp để điều tra, phát hiện, làm rõ các đường dây “ổ nhóm” buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả để có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, trong đó chú ý các tuyến, địa bàn trọng điểm, các loại hàng cấm hoặc dễ bị buôn lậu, kinh doanh trái phép như: đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm, gia cầm, xăng dầu...
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác này; chủ động luân chuyển, điều động, xử lý nghiêm hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm những cán bộ có biểu hiện vi phạm, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại; động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực thi công vụ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình thị trường, xu hướng tiêu dùng để kịp thời có các phương án hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Các Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn triệt để thực phẩm nhập lậu, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, không để xảy ra dịch bệnh.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; địa bàn nào để xảy ra buôn lậu thì lực lượng nơi đó phải chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là nếu để xảy ra việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và đốt pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ ở địa phương.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay lực lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 80.000 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tổng mức thu/phạt trên 350 tỷ đồng; lực lượng công an xử lý 12.903 vụ, số tiền thu/phạt 739 tỷ đồng; lực lượng hải quan xử lý 22.012 vụ, tổng tiền thu/phạt 556 tỷ đồng; bộ đội biên phòng xử lý 2.013 vụ, tổng số tiền gần 600 tỷ đồng; cảnh sát biển xử lý 816 vụ, tổng tiền thu phạt 145 tỷ đồng. |
Phan Hiển