In bài viết

Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, dám nghĩ, dám làm

(Chinhphu.vn) – Sáng 28/3, thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chú trọng đến người lao động trực tiếp, dám nghĩ, dám làm, khu vực ngoài nhà nước để kịp thời động viên, khuyến khích người lao động sáng tạo, cống hiến.

28/03/2022 14:32
Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, dám nghĩ, dám làm - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh: Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi. Ảnh: VGP

Đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua khen thưởng

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số vấn đề được đại biểu thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp trước của Quốc hội và tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, có một số điểm mới của dự thảo Luật lần này là thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, đề cao tính kịp thời theo thành tích, khắc phục tình trạng khen thưởng "cộng dồn thành tích"; đưa phong trào thi đua đi vào thực chất, thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, vùng sâu, vùng xa; giải quyết các bất cập trong khen thưởng khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; mở rộng hình thức khen thưởng với người nước ngoài có đóng góp lớn cho đất nước Việt Nam và bổ sung khen thưởng hình thức "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) bày tỏ tán thành nhiều nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu của dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo lần này có sự đổi mới mạnh mẽ, nhiều quy định mới, cụ thể trong công tác thi đua khen thưởng. Đó là thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục khen dồn thành tích, bổ sung thêm đối tượng khen thưởng. Nhất là việc chú trọng việc khen thưởng cho người lao động trực tiếp ở cơ sở, giải quyết cơ bản những vướng mắc đối với khen thưởng khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, theo đại biểu, khu vực ngoài nhà nước vẫn chưa được khen thưởng tương xứng với thành tích của mình.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoa cũng đề nghị khen thưởng cho người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong sản xuất và công tác để kịp thời động viên, khuyến khích cá nhân tiếp tục có cống hiến cho tổ chức, đơn vị.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) đồng tình cao với tiếp thu của dự thảo Luật, đồng thời cần điều chỉnh linh hoạt đối với thanh niên xung phong có cống hiến trong thời gian kháng chiến để xét truy tặng, tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang đối với thanh niên xung phong đóng góp xương máu trong kháng chiến.

Đối với công tác thi đua khen thưởng cũng cần lưu tâm trong khối đại biểu Quốc hội sao cho đúng với nguyên tắc không loại trừ ai, ngành nghề nào.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Bùi Hoài Sơn nhất trí với đại biểu Phương Hoa là tăng cường khen thưởng đối với lao động trực tiếp. Bởi việc khen thưởng cho lao động trực tiếp còn thấp, chưa đáp ứng thực tiễn đề ra, nên có câu "đường sữa trên xuống, cuốc xẻng dưới lên" như người dân vẫn nói.

"Khen thưởng trực tiếp là đổi mới khen thưởng và thể chế hoá đường lối của Đảng, tạo động lực cho cá nhân lao động trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội", đại biểu Sơn bày tỏ.

Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, dám nghĩ, dám làm - Ảnh 3.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa: Dự thảo Luật có sự đổi mới mạnh mẽ, nhiều quy định mới, cụ thể trong công tác thi đua khen thưởng. Ảnh: VGP

Đề nghị bổ sung tiêu chí đối với danh hiệu "Gia đình văn hoá"

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, khen thưởng cho thanh niên xung phong là cần thiết để ghi nhận thành tích của Thanh niên xung phong trong giai đoạn kháng chiến trước đây nhưng chỉ giới hạn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đối với Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, đại biểu Thành đề nghị cần bổ sung nội hàm liên quan đến cống hiến đến công tác đại đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc, bổ sung việc khen thưởng các tập thể đối với công tác đại đoàn kết dân tộc.

Đề cập đến một trong các bất cập hiện nay là việc hai Đại học Quốc gia chỉ được hình thức khen thưởng là Giấy khen là chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động, mô hình quản lý, đại biểu Thành kiến nghị luật quy định để Đại học Quốc gia được tặng Bằng khen như các cơ quan thuộc Chính phủ khác.

Về các tiêu chí để xét tặng thưởng các danh hiệu, đại biểu Quàng Văn Hương (đoàn Sơn La) đặt vấn đề, cần bổ sung thêm tiêu chí môi trường an toàn, an ninh vào xem xét tặng thưởng một số danh hiệu.

"Đối với danh hiệu "gia đình văn hoá" cũng cần bổ sung tiêu chuẩn bảo vệ an ninh trật tự tại thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư khi xét tặng danh hiệu này để nâng cao ý thức tham gia bảo vệ an ninh, trật tự an toàn tại địa phương", đại biểu Hương nêu rõ.

Đề cập đến việc xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú hiện nay, đại biểu Hương mong muốn bổ sung thêm cho các nhà giáo công tác ở các vùng khó khăn (vùng 2) thay vì chỉ có vùng đặc biệt khó khăn (vùng 3) để tạo điều kiện, động viên các nhà giáo bởi sự khác nhau về điều kiện của các vùng hiện nay là không lớn.

Về vấn đề xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung trường hợp đã được khen thưởng nhưng sau đó bị phát hiện vi phạm quy định của Nhà nước và bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ được xét khen thưởng thì phải bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng.

Lê Sơn