Hợp tác xã nông nghiệp Long Xuyên, huyện Phúc Thọ hiện có trên 200 thành viên, với diện tích sản xuất hơn 300 ha. Sau khi được củng cố và kiện toàn Ban Quản trị Hợp tác xã đã kết nối với đơn vị doanh nghiệp hợp tác đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao trồng dưa bao tử, với diện tích 10 ha và có hơn 100 thành viên Hợp tác xã tham gia. Trong năm nay, đơn vị cũng sẽ đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khẳng định thương hiệu, chất lượng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Xuyên, huyện Phúc Thọ cho biết, thời gian qua, huyện Phúc Thọ đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm để phát triển bền vững nền nông nghiệp của huyện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Còn ông Doãn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vân Nam, huyện Phúc Thọ cho biết, phát huy lợi thế vùng bãi phù sa ven sông Hồng, hợp tác xã có 200 thành viên đang tập trung phát triển mô hình trồng chuối tiêu hồng trên diện tích hơn 100 ha cung ứng cho thị trường. Do đất đai màu mỡ rất phù hợp cho việc trồng, phát triển cây chuối tạo nên sản phẩm to và đẹp được thị trường đón nhận. Sau khi xây dựng được thương hiệu "Chuối Vân Nam", Hợp tác xã cũng đã tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và đạt chuẩn OCOP 3 sao, qua đó tạo điều kiện cho việc tuyên truyền, thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chuối của địa phương.
Hiện nay nhu cầu về sản phẩm chuối trên thị trường rất lớn. Đây là một loại quả có dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, dễ sử dụng. Với mục đích nâng cao giá trị sản phẩm, quản lý tốt hơn chất lượng, mẫu mã, việc đưa sản phẩm này vào hệ thống cung cấp của siêu thị, cửa hàng, các bếp ăn tập thể nhằm nâng cao khả năng tiêu thụ cũng như thu nhập cho người trồng chuối. Đồng thời để khai thác thế mạnh của địa phương, giữ gìn, đảm bảo giống, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và quảng bá hình ảnh quê hương Vân Nam tới các du khách.
Theo ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, qua 4 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, huyện Phúc Thọ đã có 59 sản phẩm OCOP được phân hạng 3 sao và 4 sao, trong đó chủ yếu là các sản phẩm nông sản thực phẩm chủ lực của huyện, mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho các chủ thể tham gia OCOP.
Để đẩy nhanh việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, huyện Phúc Thọ cũng đã hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ, xây dựng thương hiệu cũng như hỗ trợ tập huấn và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng phát triển. Theo lộ trình, huyện Phúc Thọ tới đây cũng sẽ xây dựng Đề án tổng thể tạo thuận lợi cho việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của địa phương.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, với nền văn hóa văn hiến lâu đời, Hà Nội có tới 1.350 làng nghề, có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 Hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao đây là tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP của Thủ đô Hà Nội.
Do vậy từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%), trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao (chiếm 63,2%), 780 sản phẩm 3 sao chiếm 36%.
Việc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, trong đó quan tâm chú trọng chất lượng sản phẩm, đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi tiêu thụ trên thị trường đang là động lực cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng nông sản. Thông qua đó góp phần phát triển nền nông nghiệp của Thủ đô nói chung cũng như của huyện Phúc Thọ nói riêng để phát triển bền vững, theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn.
* Thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội.
Thiện Tâm