Theo phản ánh của ông Hoàng Văn Tản (Hải Dương), mẹ kế của ông Tản là bà Nguyễn Thị Hảo. Người chồng trước của bà Hảo là liệt sĩ Đỗ Xuân Chúc, hai người có một con chung là Đỗ Thị Liễu. Năm 1972, bà Hảo tái giá. Năm 1975 bà trở về quê ở xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương sinh sống và nuôi con, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ.
Từ tháng 9/1973 đến hết năm 1980, bà Đỗ Thị Liễu được hưởng chế độ tuất của bố là liệt sĩ Đỗ Xuân Chúc. Bà Nguyễn Thị Hảo nuôi con ăn học đến khi trưởng thành và xây dựng gia đình. Từ năm 1975 bà Hảo vẫn chăm sóc bố mẹ chồng đến lúc bố mẹ chồng qua đời.
Gia đình ông Tản đã nhiều lần làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết chế độ vợ liệt sĩ tái giá cho bà Nguyễn Thị Hảo, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Tản hỏi, trường hợp của bà Hảo có được hưởng chế độ theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP hay không? Nếu được thì bao giờ sẽ được giải quyết?
Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương trả lời như sau:
Theo hồ sơ của bà Nguyễn Thị Hảo thể hiện: “Năm 1960, bà Nguyễn Thị Hảo kết hôn với ông Đỗ Xuân Chúc, hai người sinh được người con chung là bà Đỗ Thị Liễu. Năm 1964, ông Chúc đi bộ đội, đến năm 1968 thì hy sinh và được công nhận là liệt sĩ. Năm 1972, bà Nguyễn Thị Hảo lấy chồng khác nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành và chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ liệt sĩ khi còn sống, được gia đình và UBND xã Cẩm Đông công nhận”.
Kiểm tra hồ sơ liệt sĩ Đỗ Xuân Chúc lưu tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương thể hiện: “Bà Nguyễn Thị Hảo đã lấy chồng từ tháng 6/1972, để chị Liễu ở với ông bà đã già yếu. Do đó, ngày 15/9/1972, Ủy ban hành chính tỉnh Hải Dương có Quyết định số 64/UB về việc điều chỉnh trợ cấp tuất hàng tháng đối với chị Đỗ Thị Liễu (hưởng chế độ tuất mồ côi cha mẹ)”.
Do hồ sơ liệt sĩ lưu tại Sở, hồ sơ đề nghị của bà Nguyễn Thị Hảo, ý kiến trình bày của các em liệt sĩ và các văn bản xác minh, báo cáo của địa phương tại các thời điểm khác nhau có một số nội dung chưa thống nhất về việc nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành; chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ liệt sĩ khi còn sống của bà Nguyễn Thị Hảo, nên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, xác minh làm rõ.
Kết quả kiểm tra, xác minh tại UBND xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng cụ thể như sau:
Các em của liệt sĩ và UBND xã Cẩm Đông khẳng định: Chị Đỗ Thị Liễu là con chung của liệt sĩ Đỗ Xuân Chúc và bà Nguyễn Thị Hảo. Sau khi bà Nguyễn Thị Hảo đi lấy chồng khác, chị Đỗ Thị Liễu ở lại với ông, bà nội (là bố, mẹ của liệt sĩ Đỗ Xuân Chúc). Chị Đỗ Thị Liễu được điều chỉnh trợ cấp tuất hàng tháng (tuất con liệt sĩ mồ côi) năm 1972 là đúng.
Theo trình bày của các em liệt sĩ thì: “Bà Nguyễn Thị Hảo mặc dù đi lấy chồng khác nhưng bà Nguyễn Thị Hảo cùng ông Cốc (chồng sau của bà Hảo) vẫn qua lại gia đình liệt sĩ. Do điều kiện kinh tế khi đó còn khó khăn nên bà Nguyễn Thị Hảo không có điều kiện chu cấp về mặt vật chất đối với chị Đỗ Thị Liễu hay bố, mẹ liệt sĩ, chỉ thể hiện bằng tình cảm, đi lại hoặc sang thăm, chơi, thi thoảng có quà, bánh”.
UBND xã Cẩm Đông chưa có cơ sở công nhận bà Nguyễn Thị Hảo có nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ khi còn sống hay không do UBND xã không có cơ sở xem xét, khẳng định.
Tại Điểm d, Khoản 6, Điều 20 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định: “Vợ hoặc chồng liệt sĩ đã đi lấy chồng hoặc vợ khác nhưng nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống được UBND cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định”.
Đối chiếu quy định trên, thì hồ sơ đề nghị chế độ trợ cấp tuất hàng tháng đối với vợ liệt sĩ đi lấy chồng khác của bà Nguyễn Thị Hảo chưa có cơ sở xem xét, giải quyết.
Ngày 15/7/2019, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã có Công văn số 290/SLĐTBXH-NCC trả lời bà Nguyễn Thị Hảo.