Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề về tình trạng "giơ cao, đánh khẽ" trong một số vụ thanh tra, đồng thời muốn Tổng Thanh tra nói thêm về nguyên nhân chậm thu hồi tài sản tham nhũng cũng như giải pháp cho việc này.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận thời gian qua có một số đoàn thanh tra, nhất là ở các bộ, ngành, địa phương khi thanh tra đã có kết luận chưa đúng bản chất vi phạm.
Nguyên nhân được nêu ra là ý thức chấp hành kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ của trưởng, phó đoàn và thành viên đoàn thanh tra chưa cao; năng lực trình độ một số cán bộ thanh tra chưa đảm bảo, cơ sở chính sách còn bất cập dẫn đến khi áp dụng xử lý kết luận thanh tra "cùng một vấn đề có cách hiểu khác nhau, khó phân định đúng-sai"…
Tổng Thanh tra Chính phủ lấy ví dụ cuộc thanh tra phòng, chống COVID-19 trên diện rộng, ngoại trừ vụ việc của Công ty Việt Á do Bộ Công an làm, Thanh tra Chính phủ trực tiếp làm 3 cuộc tại Bộ Y tế, Hà Nội và TPHCM còn lại các cuộc thanh tra do 19 bộ và 61 tỉnh, thành phố làm. Tuy nhiên, trong 30 vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra, chủ yếu là ở 3 cuộc do Thanh tra Chính phủ thực hiện, còn lại 19 bộ và 61 tỉnh, thành phố chỉ có 2-3 vụ việc.
Ông Đoàn Hồng Phong cũng nêu 5 nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt kỳ vọng như: Pháp luật còn nhiều vướng mắc, thiếu quy định về cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra; người phải thi hành không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo thấp hơn nhiều so với khoản phải thi hành; thời gian giải quyết kéo dài dễ bị tẩu tán, che giấu; tính pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; việc phối hợp giữa các cơ quan thu hồi tài sản còn hạn chế.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) về việc xây dựng lực lượng thanh tra liêm chính, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, trọng tâm nhất là nâng cao đạo đức công vụ. Cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản để đảm bảo cán bộ tuân thủ quy định, chí công, vô tư, cũng như ban hành quy trình chặt chẽ, giám sát thành viên đoàn thanh tra trong việc tuân thủ đạo đức công vụ.
Thanh tra Chính phủ đang đề xuất sửa đổi Luật Thanh tra để quy định rõ hơn quyền hạn của công chức, đảm bảo công khai, minh bạch. "Sắp tới sẽ trình Bộ Chính trị quy định kiểm soát quyền lực trong thanh tra", Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết hiện còn nhiều cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành đã quá thời hạn theo quy định, có những cuộc là trên 5 năm, như vậy là gấp hơn 10 lần thời gian tối đa cho phép nhưng chưa ban hành được kết luận. Đại biểu Thắng đề nghị Tổng Thanh tra cho biết nguyên là gì.
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong thẳng thắn thừa nhận, hiện Thanh tra Chính phủ còn một số cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước. Các cuộc thanh tra này được Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định có thể ban hành được kết luận đồng thời đến nay "chưa phát hiện tiêu cực trong các cuộc thanh tra này".
Về giải pháp, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này đang nghiên cứu dự thảo sửa đổi Luật Thanh tra, trong đó sẽ điều chỉnh thời gian xây dựng báo cáo thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra gồm 3 mức 10, 20 và 30 ngày.
Việc báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chỉ quy định trong 3 trường hợp: Thanh tra liên quan an ninh quốc phòng; thanh tra do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với tham nhũng cấp tỉnh và thực hiện khi có ý kiến chỉ đạo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan Nhà nước.
Theo ông Phong, trưởng đoàn, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì thanh tra, người ra quyết định thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, người giám sát, thẩm định kết quả thanh tra phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Đồng thời nghiêm cấm các thành viên đoàn thanh tra nhận quà, tiền, giao lưu ăn uống dưới mọi hình thức để bỏ lọt, bỏ qua vi phạm.
Lê Sơn