In bài viết

Chuẩn bị khánh thành kết nối hơn 1000 điểm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

(Chinhphu.vn) – Sau hơn 2 tháng triển khai đồng loạt, Đề án khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối.

24/09/2020 15:52
Họp báo thông tin về lễ khánh thành kết nối hơn 1000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa.
Thông tin này được Bộ Y tế cung cấp tại buổi gặp mặt báo chí ngày 24/9. Lễ khánh thành kết nối hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa sẽ được tổ chức vào 14h ngày 25/9. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Đề án khám, chữa bệnh (telehealth) từ xa giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa".

Sau hơn 2 tháng triển khai đồng loạt, Đề án khám, chữa bệnh từ xa đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TPHCM. Nhờ đó, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như: Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé...

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – đơn vị được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, để thực hiện Đề án này một cách hiệu quả và bền vững, chúng ta phải làm thực chất, các bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương đều phải quyết tâm thực hiện và phải coi nhau là đối tác để cùng thực hiện nâng cao chuyên môn. Có như vậy, người dân mới thực sự đặt niềm tin, đằng sau bệnh viện địa phương luôn có cả hệ thống y tế hỗ trợ.

“Nếu làm tốt, phối hợp tốt, các bác sĩ tuyến dưới sẽ tự tin hơn rất nhiều, các ca bệnh khó, nặng đều có thể được điều trị khỏi tại địa phương, thay vì đưa bệnh nhân đi quãng đường xa còn nguy hiểm hơn rất nhiều”, PGS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng cho biết, do chưa sửa đổi được Luật Khám chữa bệnh nên chưa có quy định về kê đơn thuốc khám chữa bệnh từ xa, nên rất khó cho các bác sĩ khi kê đơn thuốc. Nếu không may xảy ra vấn đề thì vai trò của bác sĩ sẽ giảm, không có ai chịu trách nhiệm về đơn thuốc từ xa.

Lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đề xuất, các cơ quan quản lý cần sớm có hướng dẫn chi bảo hiểm y tế cho khám chữa bệnh từ xa và đề xuất bảo hiểm y tế tư nhân cũng được tham gia Đề án này, để mở rộng quyền lợi cho người dân.

Thúy Hà