Bà Phụng hỏi, vậy chứng chỉ B1 của 10 tổ chức này đã cấp cho các đối tượng ngoài nhà trường không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ có còn được phép sử dụng để xét chuẩn đầu ra thạc sĩ nữa không?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Tháng 01/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (KNLNNVN), phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam.
Chứng chỉ A1-C2 được cấp bởi các tổ chức quốc tế và một số trường đại học, cao đẳng (trong đó bao gồm 10 cơ sở được giới thiệu tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ) trước khi Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT về Khung NLNNVN được ban hành. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT được ban hành, chứng chỉ A1-C2 vẫn phổ biến vì Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT công nhận tương đương giữa các bậc năng lực từ 1-6 và A1-C2.
Ngày 13/7/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2973/BGDĐT-TTr về việc xử lý sau thanh tra, theo đó yêu cầu 10 đơn vị được Bộ giao tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ tạm dừng việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định cụ thể về việc này.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2017.
Trên cơ sở các văn bản hiện hành, việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể bao gồm xác định năng lực ngoại ngữ trong tuyển sinh, xét chuẩn đầu ra do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định.