In bài viết

Chung tay giải quyết thách thức về an ninh nguồn nước

(Chinhphu.vn) - Ngày 11/9, tại tỉnh Bình Định đã diễn ra Hội thảo "Khoa học vì hoà bình" của Liên minh Nghị viện thế giới với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước: tái thiết sự chung sống hoà bình với khoa học".

11/09/2023 17:51
Cùng chung tay giải quyết thách thức về an ninh nguồn nước - Ảnh 1.

Hội thảo tập hợp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các nghị sĩ trẻ từ Việt Nam, châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi và các vùng khác trên thế giới

Chương trình được Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức. Hội thảo tập hợp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các nghị sĩ trẻ từ châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi và các vùng khác trên thế giới để chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước (ANNN). 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam là quốc gia ven biển Thái Bình Dương, có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10 km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm hiện nay khoảng 830 tỷ mét khối, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ.

Trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, ANNN là vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm và cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm ANNN. Để đảm bảo ANNN cho trên 100 triệu dân, Việt Nam đang đứng trước một số thách thức lớn về ANNN như thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian; tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hiện tượng thời tiết cực đoan; ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt ngày càng gia tăng, có nơi đến mức báo động…

"Những thách thức nêu trên đang đặt ra bài toán cho Việt Nam về ANNN, và cũng là thách thức mà nhiều quốc gia đang gặp phải. Do vậy, cần phải có sự chung tay của nhiều quốc gia trong phạm vi khu vực và cả trên toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề này", ông Hải nhấn mạnh.

Cùng chung tay giải quyết thách thức về an ninh nguồn nước - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Đức Hải, để giải quyết, vượt qua các thách thức nói trên, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp khác như: Công tác quy hoạch, điều tiết nước, chuyển nước lưu vực sông; đầu tư nguồn lực, phát triển hạ tầng bảo đảm ANNN; giải pháp về khoa học và công nghệ trong dự báo, xây dựng vận hành các công trình tích nước, trữ nước, chuyển nước; tuần hoàn nước, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; bổ cập nguồn nước; tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm về quản lý ANNN.

"Trong thời gian vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất các hoạt động và tham gia các sáng kiến toàn cầu của IPU. Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực và sáng kiến của IPU với vai trò là một cơ chế hợp tác liên nghị viện toàn cầu, đã hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam để phát huy vai trò của hợp tác nghị viện nhằm chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu", ông Nguyễn Đức Hải nói.

Ban tổ chức cho biết, hội thảo diễn ra từ ngày 11 đến 13/9, với  9 phiên thảo luận với các chuyên đề chuyên sâu: Khoa học và chính trị; các chương trình quan sát Trái đất để giám sát nguồn nước; thực hành lập pháp điển hình; ngoại giao đa phương, trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới; phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng; mạng lưới Liên minh Nghị viện về nguồn nước; ngoại giao khoa học và Khoa học dự đoán.

Minh Trang