Cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp 13 triệu USD
Ngày 18/9, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp tiếp nhận viện trợ khẩn cấp hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi).
Thay mặt Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp gửi lời cảm ơn tới các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế về sự hỗ trợ nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt từ góc độ tình cảm, sự chia sẻ của các quốc gia, các đại sứ và tổ chức cộng đồng quốc tế là rất quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt từ đầu, lãnh đạo Bộ NN&PTNT triển khai trực tiếp đến hiện trường. Tuy nhiên, cơn bão đã càn quét ở mức thảm họa, gây nhiều thiệt hại về người và của cho khu vực miền núi phía Bắc.
Theo đánh giá ban đầu, thiệt hại kinh tế khoảng 2 tỷ USD, đánh giá có tăng lên 2,5 tỷ USD. "Cơn bão số 3 được đánh giá là một trong những cơn bão gây ra thiệt hại về tiền lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Tuy nhiên con số trên cũng chưa là gì so với hậu quả lâu dài mà cơn bão để lại", Thứ trưởng Hiệp phát biểu.
Đồng thời khẳng định rất cần nhiều thời gian và nguồn lực để khắc phục về hạ tầng, ổn định cuộc sống người dân.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chia sẻ một số thông tin mới nhất về cơn bão số 4. Dự kiến, cơn bão này sẽ đổ bộ vào miền Trung trong khoảng từ Quảng Ngãi ra tới Thanh Hóa. Cơn bão này dự kiến mức gió giật mạnh nhất vào khoảng cấp 8 và gây mưa lớn, diện rộng vào 2 ngày là 19-20/9, thậm chí gây mưa lớn hơn bão số 3.
Cùng ngày (18/9), Bộ NN&PTNT cũng tổ chức hội nghị hỗ trợ phục hồi sản xuất trồng trọt sau bão, lũ các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng tổ chức họp để chỉ đạo phục hồi sản xuất ngay sau bão lũ trên các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp với những hướng dẫn về kỹ thuật để sớm khôi phục những diện tích có thể cứu lại được. Cùng với đó là các biện pháp tiêu úng được thực hiện khẩn cấp.
Để sớm có nguồn lực phục hồi sản xuất, Bộ NN&PTNT cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng rất trách nhiệm, cùng chung tay chia sẻ với sự mất mát của người dân. Thứ trưởng Hoàng Trung cảm ơn và đánh giá cao những chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp.
"Bộ sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp với khả năng cao nhất, tình thần nhanh chóng, kịp thời nhất để hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất. Bộ sẽ có những hội nghị phục hồi sản xuất để đảm bảo khung mùa vụ và cơ cấu cây trồng để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cuối năm và các năm tiếp theo", Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, đến nay, ảnh hưởng do bão số 3 và mưa lũ đã làm 312.000 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong số đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng 200.000 ha; rau màu 51.000 ha (riêng cây ngô 36.000); 61.000 ha cây ăn quả, cây công nghiệp…
Để khắc phục thiệt hại trên, tổng hợp nhu cầu hạt giống để hỗ trợ địa phương khôi phục sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, nhu cầu giống lúa khoảng 15.000 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng trên 4.100 tấn); rau các loại 112,5 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng 0,25 tấn); giống ngô khoảng 1.080 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng 275,4 tấn).
Trước nhu cầu cây giống trên, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng và học viện, viện, trường đại học về việc chuẩn bị giống cây trồng nông nghiệp phục vụ sản xuất các tỉnh phía Bắc. Theo đó, các đơn vị xem xét, chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa bão.
Cục Trồng trọt cũng đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng không nâng giá bán giống cây trồng trong dịp này nhằm gióp phần giúp bà con nông dân vùng mưa bão giảm bớt khó khăn, khắc phục sản xuất để sớm ổn định đời sống.
Tổng hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua Bộ NN&PTNT đến 16 giờ ngày 18/9/2024 là 17.165.000.000 đồng.
Đỗ Hương