In bài viết

Chúng tôi kết nối những nhịp cầu

(Chinhphu.vn) – Đánh dấu 15 năm thành lập và có mặt trên không gian mạng toàn cầu, Cổng TTĐT Chính phủ đã vươn lên trở thành một kênh truyền thông đa phương tiện, kênh thông tin chính thống và quan trọng của Chính phủ và làm cầu nối hữu hiệu giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp.

21/01/2021 08:58
Bộ phận làm công tác tiếp nhận ý kiến người dân, doanh nghiệp, trong ngày kỷ niệm 15 năm Cổng TTĐT Chính phủ hòa mạng Internet (10/1/2006-10/1/2021). Ảnh: VGP

Rất nhiều người đã từng nói, công việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp ở mỗi tòa soạn là công việc thầm lặng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại. Đằng sau mỗi tập đơn, email gửi đến đều là một số phận, một câu chuyện không được bỏ qua, dẫu rằng bạn đọc có thể đúng, có thể sai, hoặc đan xen cả đúng lẫn sai… Người làm công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị cũng phải biết trăn trở trước những vấn đề không phải của riêng mình để có trách nhiệm hơn với mỗi phản ánh, tâm tư, nguyện vọng được gửi gắm.

Với bộ phận làm công tác bạn đọc tại Cổng TTĐT Chính phủ, trách nhiệm đó có phần còn nặng nề hơn. Bởi, mỗi kiến nghị, phản ánh được gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ được hiểu là gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng. Và 15 năm qua – một chặng đường chưa hẳn là dài, nhưng với sự nỗ lực, yêu nghề của các thế hệ cán bộ, Cổng TTĐT Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Chính phủ giao phó – là cầu nối giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và là kênh kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chức năng.

Hàng chục nghìn phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong, ngoài nước đã đến được với cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết, trả lời thông qua cầu nối Cổng TTĐT Chính phủ. Để rồi một con đường bị sạt lở do thiên tai của một huyện miền núi thuộc tỉnh miền Trung Quảng Nam đã kịp khoác chiếc “áo mới” vào đúng những ngày trước Tết. Những ấp nhỏ của người dân tộc Stiêng tại xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đổi thay vì có điện. Một người khuyết tật nhỏ bé tại thành phố Vũng Tàu được tiếp thêm niềm tin, nghị lực sống từ sự quan tâm, hỗ trợ về chính sách của chính quyền. Một gia đình nghèo với người cha bệnh tật, không biết chữ và 3 đứa con nhỏ trong ngôi nhà xiêu vẹo, dột nát được hỗ trợ xây nhà mới. Một sinh viên nghèo, một học sinh khuyết tật được tiếp tục giấc mơ đến trường…

15 năm - hàng trăm nghìn lá thư điện tử đã gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ, trong đó chiếm số lượng không nhỏ là những lời tâm sự, sẻ chia, và kèm theo cả những lời cảm ơn, động viên chân thành nhất từ công dân, doanh nghiệp trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Nhận một lời cảm ơn là thêm một niềm vui và động lực để  những người làm công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng TTĐT Chính phủ làm tốt hơn công việc của mình; nhưng nhận một nguyện vọng chưa được giải quyết thỏa đáng là chúng tôi lại có thêm nhiều trăn trở, suy nghĩ, làm thế nào để vướng mắc của người dân, doanh nghiệp được các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết triệt để.

Trong hành trình ấy, có rất nhiều câu chuyện, mảnh đời để lại ấn tượng cho chúng tôi. Chẳng hạn như câu chuyện về bà Đào Thị Mai (Quảng Nam) với hành trình 40 năm đi tìm cha. Theo lời kể từ lá thư gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ, bố của bà Mai là ông Đào Minh Châu, cán bộ tập kết ra Bắc. Thời điểm đó, bà Mai còn trong bụng mẹ. Đến năm 1970, gia đình chỉ được biết thông tin ông Châu được cử đi công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bulgaria. Thế rồi bặt tin. Bà Mai chỉ được biết thông tin về việc bố qua đời tại nước ngoài qua những tấm ảnh chụp lễ tang do những người bạn, người đồng nghiệp gửi về. Đến thời điểm bà gửi bức tâm thư cho Cổng TTĐT Chính phủ là tròn 55 năm bố của bà xa gia đình đi tập kết. Cổng TTĐT Chính phủ đã nhanh chóng làm nhiệm vụ kết nối gia đình với Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo (đơn vị cử ông Châu sang Bulgaria là công tác quản lý lưu học sinh). Các đơn vị liên quan sau đó đã tích cực giúp đỡ gia đình bà Mai tìm kiếm thông tin và được biết ông Châu được an táng tại Nghĩa trang Trung tâm Sophia (Bulgaria) vào ngày 14/11/1970. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo hỗ trợ chi phí cho một người trong gia đình bà Mai sang Bulgaria để làm thủ tục cất bốc hài cốt ông Châu. Cục Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam đã hỗ trợ gia đình làm các thủ tục cần thiết tại Bulgaria.

Hay câu chuyện về một gia đình trên hành trình 21 năm chứng minh “sự tồn tại hợp pháp”. Câu chuyện bắt đầu từ bức thư điện tử khá đặc biệt được gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ. Bức thư bày tỏ sự băn khoăn của anh Nguyễn Hà Sinh, con rể của một gia đình có 9 thành viên tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đã 21 năm sống tại mảnh đất này nhưng không một ai trong gia đình nhà vợ anh có bất cứ một loại giấy tờ nào để chứng minh sự tồn tại hợp pháp của mình. Bức thư tuy ngắn nhưng những tâm sự trong đó khiến chúng tôi suy nghĩ, trăn trở và thôi thúc chúng tôi nhanh chóng “vào cuộc”. Để rồi, niềm vui vỡ òa khi chỉ sau đó một thời gian, tất cả thành viên trong gia đình đã được làm giấy tờ hộ tịch gốc. Hành trình dài nhưng cũng đã đến đích.

Xúc động hơn nữa là những dòng tâm sự về hành trình tìm hài cốt người con liệt sĩ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngoài 90 tuổi Vũ Thị Nhẫn (Hải Phòng) gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ: Hôm nay tròn 100 ngày liệt sĩ Phan Văn Vinh, con trai tôi được “trở về” quê hương sau bao năm nằm một mình nơi vùng đất xa. Mọi người trong gia đình tôi ai cũng cảm động, rơi nước mắt trong niềm vui đoàn tụ. Một động lực thôi thúc tôi nói ra những điều đang chất chứa trong lòng bấy lâu nay. Nhờ người con trai ghi lại và gửi đến như một lời bày tỏ sự biết ơn sâu sắc của tôi đối với Cổng TTĐT Chính phủ đã giúp gia đình tôi được toại nguyện.

Còn nhiều, rất nhiều những trường hợp, những mảnh đời đã đổi thay nhờ được Cổng TTĐT Chính phủ tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng và cơ quan chức năng tích cực giải quyết kịp thời…

Bước sang tuổi 16, chúng tôi hiểu được rằng, mỗi ngày sắp tới là một thử thách mới để mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên nỗ lực, trách nhiệm nhiều hơn nữa “kết nối những nhịp cầu”. Với vai trò là nơi tiếp nhận và chuyển phản ánh của người dân, doanh nghiệp đến các cơ quan có trách nhiệm, chúng tôi hy vọng nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp luôn được các cấp chính quyền, các tổ chức quan tâm, giải quyết nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây cũng là động lực để những người làm công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tại một cơ quan truyền thông của Chính phủ vững vàng hơn trong môi trường mới, thêm gắn bó với công việc. Chắc chắn là thế!

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân