Sản phẩm của các cơ sở sản xuất nông sản sạch được Bộ NN&PTNT chứng nhận đã xuất hiện nhiều tại các cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc Chất lượng hệ thống cửa hàng “Bác Tôm” nêu thắc mắc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: “Cửa hàng của chúng tôi kinh doanh thực phẩm sạch, hoàn toàn là các sản phẩm nguồn gốc nông sản. Nhưng cùng một nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm, tại sao phải có cả cơ quan quản lý về nông nghiệp và y tế của địa phương thay nhau kiểm tra?”.
Về các sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng “Bác Tôm”, sau khi nghe vị giám đốc này liệt kê các sản phẩm bán tại chuỗi cửa hàng, Thứ trưởng Vũ Văn Tám công nhận toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng đều thuộc danh mục các sản phẩm do ngành nông nghiệp quản lý.
“Nếu sản phẩm các anh kinh doanh là thực phẩm và nông sản, thì chỉ cần cơ quan quản lý về nông nghiệp của địa phương xác nhận chất lượng. Anh có quyền từ chối các cơ quan khác khi họ yêu cầu kiểm tra về chất lượng”.
Câu chuyện về chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra các cửa hàng thực phẩm an toàn của chuỗi cửa hàng “Bác Tôm” là một trong nhiều thắc mắc doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo “Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn” do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 9/5.
Ngoài vướng mắc về thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp còn nêu nhiều khó khăn phát sinh từ địa phương như việc thiếu vùng nguyên liệu để canh tác nông sản sạch.
“Việc dồn điền đổi thửa cần chính quyền địa phương vào cuộc, chứ doanh nghiệp chúng tôi không thể đi kêu gọi từng hộ gia đình để tạo ra vùng canh tác lớn”, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty BigGreen cho hay.
Đại diện một số HTX tham gia sản xuất rau an toàn cũng cùng quan điểm, dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nhưng quy trình để chính sách tới tay người dân còn chậm và nhiều thủ tục. Đây là điều doanh nghiệp rất mong chờ sự chuyển biến từ phía các cơ quan chức năng tại địa phương.
Mô hình đầu tư, sản xuất thực phẩm an toàn ngày càng được nhân rộng. Ảnh minh họa |
Chính quyền dám chịu trách nhiệm
Tại hội thảo, ông Phạm Thế Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Sơn La cũng chia sẻ kinh nghiệm khi xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn.
Ông Cường cho biết: “Chúng tôi quyết tâm xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn theo chuỗi, nhưng không phải nơi nào cũng sản xuất nông sản theo chuỗi được, vì phải có vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, thực hành sản xuất tốt.
Hơn nữa, thói quen của nông dân là tùy tiện, vì vậy giám sát sản xuất là chông gai nhất. Hiện Sơn La phải cử tới 64 người để giám sát việc sản xuất chuỗi rau an toàn. Điều này dẫn tới chi phí lớn, nhưng có như vậy mới bảo đảm giám sát”.
“Khi chúng tôi khai trương các cửa hàng rau an toàn, có người hỏi tôi là lấy gì để bảo đảm an toàn. Tôi khẳng định, nếu không an toàn, có ngộ độc tôi đền gấp 20 lần. Nói thật là tôi cũng khá lo lắng, nhưng chúng tôi tự tin vì có đội ngũ giám sát tốt. Và đến giờ chúng tôi chưa phải đền một trường hợp nào. Cửa hàng cũng làm ăn tốt hơn nhiều”, ông Cường kể lại.
Không có nhiều người làm quản lý chất lượng nông sản nhiệt thành như ông Cường, nhất là khi còn muôn vàn khó khăn để phát triển nông sản sạch như: Giá bán nông sản thực phẩm theo chuỗi chưa đạt như mong muốn của người sản xuất; chi phí cho việc in bao bì, tem nhãn cao; người tiêu dùng khó phân biệt chất lượng sản phẩm, chưa tin tưởng vào chất lượng... Những điều này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp đắn đo khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành quy trình kiểm tra, chứng nhận và xác nhận sản phẩm an toàn theo tư duy quản lý chuỗi và cách tiếp cận theo Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, trọng tâm là kết nối nông sản an toàn đã được cơ quan chức năng xác nhận tới tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mấu chốt của việc thúc đẩy phát triển thực phẩm an toàn theo chuỗi vẫn là sự vào cuộc của chính quyền các địa phương.
Chính quyền tại các địa phương chính là người có thể hài hòa lợi ích trong chuỗi giá trị. Cụ thể cần có sự quyết liệt trong dồn điền đổi thửa để có vùng nguyên liệu ổn định, đủ để ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất.
Cùng với đó, sự quyết liệt, mạnh dạn cần thể hiện ở vai trò đồng hành với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tín dụng bằng cách bảo đảm quyền sử dụng đất lâu dài để doanh nghiệp có tài sản để định giá vay vốn.
Điều quan trọng nhất doanh nghiệp trông chờ ở các địa phương là vai trò đầu mối. Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ dân. Vai trò của HTX rất quan trọng, nhưng hiện nay các HTX đứng ra thu mua nông sản còn hiếm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu địa phương đứng ra để huy động bà con làm nông sản sạch thì doanh nghiệp sẽ có một đầu mối bảo đảm nguồn hàng để tiêu thụ.
Đồng bộ về chính sách để tạo các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn giống như việc tạo ra một cây giống tốt. Việc áp dụng các chính sách ở mỗi địa phương mới là khu vườn với thổ nhưỡng, chất đất khác nhau. Chính quyền địa phương càng minh bạch, quyết tâm để phát triển nông sản an toàn thì các chính sách tạo nông sản sạch mới thực sự đơm hoa thơm, trái ngọt.
Đỗ Hương