In bài viết

Chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số: Đa dạng hóa các nguồn lực

(Chinhphu.vn) - Việc triển khai hiệu quả, thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 sẽ gặp không ít thách thức, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn. Việc huy động các nguồn lực xã hội trong nước và tài trợ từ các tổ chức nước ngoài để bổ sung nguồn lực là vô cùng quan trọng.

01/12/2022 17:13
Chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số: Đa dạng hóa các nguồn lực - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trò chuyện với lãnh đạo huyện, xã và người dân xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu - Ảnh: UBDT

Huy động các nguồn lực quốc tế

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, việc phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số (MTQG DTTS) và miền núi là một quyết sách lịch sử của Đảng và Nhà nước Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bên cạnh vai trò là một chương trình MTQG có nguồn lực đầu tư lớn nhất hiện nay dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, thì đây cũng là một chương trình nhận được nhiều kỳ vọng nhất từ trước đến nay của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể và gần 100 triệu cử tri, người dân Việt Nam cũng như hơn 14 triệu đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, với đặc thù là khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế như hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai hiệu quả, thành công chương trình rất mới này sẽ gặp không ít những thách thức, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn, cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện.

 Vì vậy, việc huy động các nguồn lực xã hội trong nước và tài trợ từ các tổ chức nước ngoài để bổ sung nguồn lực thực hiện chương trình là vô cùng quan trọng.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2022 trong đó xác định cần phải đa dạng hóa nguồn lực, đặc biệt là ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện chương trình này, kêu gọi sự tham gia của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế trong việc bổ sung nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để triển khai Chương trình MTQG DTTS và miền núi kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế huy động thêm nguồn lực bổ sung cho các địa phương triển khai thực hiện chương trình.

Ủy ban Dân tộc cũng tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, các cộng đồng doanh nghiệp để nghiên cứu những giải pháp, cách làm mới, sáng tạo trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi; trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho triển khai thực hiện chương trình.

Chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số: Đa dạng hóa các nguồn lực - Ảnh 2.

Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 - Ảnh:VGP

Đẩy mạnh quan tâm đến nguồn lực con người

Mới đây, tại một hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển do Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Ngân hàng Thế giới (WB), Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức, bà Stefani Stallmeister, Giám đốc điều hành WB tại Việt Nam đã nhận định, vùng đồng bào DTTS và miền núi của Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, người DTTS vẫn phải đối mặt với tình trạng nghèo phổ biến. 

Chương trình MTQG DTTS và miền núi và các chính sách dân tộc trong giai đoạn mới với cách tiếp cận mới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Để thúc đẩy sự triển vùng đồng bào DTTS và miền núi của Việt Nam, bà Stefani Stallmeister khuyến nghị, cần tăng cường nguồn lực con người, phát triển giáo dục, cải thiện suy dinh dưỡng trẻ em; hoàn thiện thể chế, tăng cường phối hợp thực hiện giữa 3 chương trình MTQG; tăng cương hơn nữa các cơ hội, đầu tư về hạ tầng, giúp đồng bào DTTS tiếp cận công nghệ số hóa…

Bà Stefani Stallmeister cũng nhấn mạnh, WB sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Ủy ban Dân tộc trong triển khai chính sách dân tộc trong giai đoạn mới. Đặc biệt hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức toàn cầu trong triển khai Chương trình MTQG DTTS và miền núi.

Trong khi đó, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định, Chương trình MTQG DTTS và miền núi là minh chứng cho cam kết của Chính phủ Việt Nam, bảo đảm mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Pauline Tamesis đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái DTTS; cải thiện tình trạng tảo hôn; tăng cường tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản; khuyến nghị giải pháp đẩy mạnh quan tâm đến nguồn lực con người, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, đa dạng hóa các mô hình sinh kế, xây dựng được lộ trình giảm nghèo phát triển bền vững, bảo đảm tính công bằng bao trùm…

Bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam đã đạt được những thành tựu giảm nghèo ấn tượng khi tỉ lệ nghèo cùng cực đã giảm từ 49% năm 1992 xuống còn 5% năm 2021, tỉ lệ nghèo đa chiều mới là hơn 9%.

Tuy nhiên, đại diện UNDP nhấn mạnh, thu nhập của các hộ dân tộc thiểu số ở một số nơi mới chỉ đạt 40-50% mức bình quân chung của cả nước. 

Nhiều người chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, chưa đi học đúng tuổi, cộng thêm thách thức về biến đổi khí hậu, già hóa dân số, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại khiến công tác xóa nghèo khó khăn hơn. 

UNDP khuyến nghị cần tiếp tục nhân rộng giải pháp trao quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số bằng phương pháp, công nghệ sản xuất kinh doanh mới.

Hoàng Giang