"Ủy ban Dân tộc có 2 thông tư liên quan. Thông tư về hướng dẫn quy trình đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG DTTS&MN) đã ban hành vào cuối tháng 5. Còn một thông tư hướng dẫn thực hiện một số dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì quản lý, chậm nhất ngày mai sẽ ban hành, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là trước ngày 1/7. Ủy ban cũng sẽ rà soát các văn bản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành khác chậm ban hành để báo cáo Thủ tướng, chứ không thể để kéo dài mãi được".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh như trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Ủy ban Dân tộc, vào ngày 29/6.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trọng tâm là việc triển khai Chương trình MTQG DTTS&MN.
Triển khai Chương trình MTQG DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành việc thành lập Tổ công tác về Chương trình MTQG DTTS&MN để thực hiện giúp việc Tổ trưởng Tổ công tác-Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác, kiện toàn đơn vị giúp việc; tập trung phối hợp thực hiện một số nội dung liên quan đến việc hoàn thiện quy định hướng dẫn cơ chế chính sách mang tính nền tảng để tổ chức thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN trong giai đoạn I (từ 2021-2025).
Chương trình này mang quan điểm đầu tư tổng thể quy mô lớn với nhiều dự án, tiểu dự án thành phần; nhiều bộ, cơ quan Trung ương tham gia chủ trì quản lý các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình, do đó dẫn tới sự chậm chễ trong việc tổng hợp, xác định và cân đối nguồn lực cho Chương trình.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về Chương trình MTQG DTTS&MN trong 6 tháng đầu năm 2022 nằm trong mối liên quan chung với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (như hoàn thiện phương án phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia,...); tiến độ hoàn thành Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG kéo dài hơn so với kế hoạch, nên ảnh hưởng đến quá trình rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn do Ủy ban Dân tộc chủ trì xây dựng, dẫn đến ảnh hưởng về tiến độ triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình.
Ông Hà Việt Quân, Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG DTTS&MN cho biết, về mặt pháp lý, đến nay, các văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Chương trình đã cơ bản được hoàn thành.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc thù về thời gian giao vốn năm 2020 vào thời điểm cuối tháng 6; căn cứ các quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Luật Đầu tư công năm 2019, cùng các văn bản hướng dẫn, việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN (đặc biệt là tiến độ phân bổ, giải ngân vốn của Chương trình) được dự báo là gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho hay, Chương trình MTQG DTTS&MN là vấn đề lớn, có tính chất chiến lược. Quảng Nam đã gấp rút triển khai Chương trình, tuy nhiên do quy định khung chưa rõ ràng nên rất khó khăn cho địa phương thực hiện. Ông Trần Anh Tuấn đề nghị thiết lập hệ thống chỉ đạo xuyên suốt về chương trình này để cập nhật, theo dõi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn....
Nhấn mạnh tinh thần tập trung cao độ, quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, việc tổ chức triển khai vừa phải bảo đảm đúng quy định, vừa phải khẩn trương, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình.
Trước băn khoăn, lo lắng của nhiều địa phương về vấn đề tiến độ, vốn đầu tư không giải ngân hết, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay, Trung ương giao tổng mức đầu tư, địa phương sẽ có thẩm quyền đối với các dự án. Để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn, ban dân tộc, sở KH&ĐT các địa phương cần nghiên cứu thật kỹ các văn bản hướng để tham mưu cho UBND để quyết định đầu tư từ nay đến cuối năm, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung có tính khả thi nhất, không nhất thiết phải 100% các dự án. Cùng với đó, các địa phương cần rà soát nhu cầu vốn trong năm 2023, không vì quá tập trung vào công việc năm 2022 mà quên các nhiệm vụ của cả giai đoạn.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài và đặc biệt ca nhiễm tăng cao, lan nhanh ở hầu khắp các tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số trong quý I/2022, nhưng tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số trong 6 tháng đầu năm 2022 cơ bản được ổn định nhờ hiệu quả từ chính sách tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 và Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát từ đầu quý II/2022, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường và kinh tế dần được mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân vùng dân tộc thiểu số được hồi phục.
Đối với kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Dân tộc được giao tổng số 52 nhiệm vụ. Hằng tháng, Tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tập trung theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ có hạn xử lý, để kịp thời đúng tiến độ. Đến nay, số nhiệm vụ đã hoàn thành là 17, số nhiệm vụ chưa hoàn thành là 35, không có nhiệm vụ quá hạn.
Bên cạnh việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 19 địa phương đã ban hành các chính sách đặc thù với tổng số 55 chính sách.
Nội dung chính sách đặc thù của địa phương chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như: Đầu tư phát triển hạ tầng tại các thôn bản khó khăn; phát triển sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực; bảo hiểm y tế; hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số; lắp đặt đồng hồ nước sinh hoạt; cấp muối i ốt... Những chính sách được các tỉnh ban hành nhằm hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bình đẳng giữa các vùng, dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề nghị cơ quan làm công tác dân tộc các cấp tập trung quán triệt đầy đủ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ban, ngành liên quan về chính sách dân tộc và công tác dân tộc để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các sở, ban ngành triển khai có hiệu quả. Đồng thời nắm chắc tình hình vùng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số và những vấn đề phát sinh, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết, bảo đảm an dân.
Bên cạnh đó, cơ quan làm công tác dân tộc các cấp cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy theo đề án, hướng dẫn của Trung ương, địa phương cả về số lượng, cơ cấu tổ chức, gắn với đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Đặc biệt là triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác dân tộc, bởi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của hệ thống cơ quan công tác dân tộc các cấp. Đồng thời phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng...
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng cho rằng, chế độ thông tin báo cáo là hết sức quan trọng để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành. Lâu nay, cơ quan làm công tác dân tộc các cấp thường dựa vào các báo cáo của các ngành, lĩnh vực mà chưa có số liệu, sự phân tích, bóc tách rõ vùng đồng bào dân tộc thiểu số như nào, đối với từng thành phần dân tộc thiểu số như nào. Đơn cử như việc thiên tai bão lũ xảy ra trên địa bàn một tỉnh, trong tổng số người dân bị ảnh hưởng thì số đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng là bao nhiêu?
"Chúng ta cần phải phân tích, bóc tách rõ, từ đó mới đề xuất, tham mưu được chính sách, giải pháp đặc thù. Đây là vấn đề quan trọng. Phải đổi mới về cách thức nắm tình hình, đánh giá, phân tích và tham mưu", Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh./.
Hoàng Giang