Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình) được xem là một quyết sách đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để thực hiện Chương trình, nhiều địa phương đã chủ động ưu tiên nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Nhiều địa phương ban hành các chính sách đặc thù, bố trí thêm nguồn lực để tổ chức thực hiện tốt Chương trình.
Đơn cử tại tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp thống nhất, xây dựng phương án giao, phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Hòa Bình là 1.573.509 triệu đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cho biết, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã dành nguồn lực chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đồng bào DTTS. Ông Nguyễn Phi Long khẳng định, Chương trình cùng với hai chương trình MTQG còn lại sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các địa phương miền núi, còn nhiều khó khăn, tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS có cơ hội phát triển vươn lên.
Tại Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên cho biết, việc triển khai thực hiện Chương trình nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương.
Quyết liệt thực hiện chương trình, đến nay, hầu hết các quy định, các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện chương trình thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã được các sở, ban, ngành và UBND các huyện triển khai thực hiện đạt một số kết quả tích cực.
Qua đó, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh có bước phát triển mạnh. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 5,37%, từ 35,64% xuống còn 30,27% (đạt mục tiêu đề ra là 4%); tỉ lệ hộ cận nghèo là 13,99%.
Đối với nguồn vốn, năm 2022 và 2023, tỉnh Quảng Ngãi được phân bổ hơn 1.070 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 542 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 527,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Một số nội dung lần đầu tiên thực hiện dẫn tới lúng túng, chậm trễ trong việc tổng hợp, xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện các nội dung còn chậm; một số cơ chế chính sách thuộc các dự án vẫn chưa được Trung ương ban hành… Do vậy, tỉ lệ giải ngân vốn trong năm 2022 thấp, chỉ đạt 46,83%; năm 2023 chỉ mới giải ngân được 4,9% vốn đầu tư phát triển, chưa giải ngân vốn sự nghiệp.
Để triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của Chương trình năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ thông báo kế hoạch vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung của chương trình, nhất là các nội dung hỗ trợ thực hiện các dự án có chu kỳ hỗ trợ dài; sửa đổi, bổ sung nội dung một số nghị định, thông tư và ban hành các quy định có liên quan về cơ chế, chính sách...
Ngoài ra, nội dung lồng ghép ba chương trình MTQG bao gồm công tác chỉ đạo, điều phối, điều hành, phân bổ vốn, lồng ghép nguồn vốn để thực hiện sao cho có hiệu quả là vấn đề địa phương trăn trở và cũng mong muốn có sự hướng dẫn nhất định, cụ thể từ Trung ương để làm cơ sở cho địa phương tổ chức triển khai.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh cho biết, nhiều văn bản đã được ban hành nhưng hướng dẫn thực hiện còn chung chung; một số hướng dẫn thiếu đồng bộ hoặc chưa tạo điều kiện thúc đẩy phân cấp khiến địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện hoặc không thực hiện được. Do đó tiến độ triển khai, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn còn chậm, thấp so với dự kiến kế hoạch.
Để xử lý vấn đề này, trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đôn đốc chỉ đạo các bộ ngành rà soát, tổng hợp, tiếp thu phản ánh của địa phương và nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; một số nội dung không thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ đã được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo khẩn trương trình ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn như Quyết định số 04 ngày 23/02/2023; sửa đổi, bổ sung phụ lục Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 27 của Chính phủ, Thông tư số 15 của Bộ Tài chính, Thông tư số 02 của UBDT.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi toàn diện từ thể chế đến phân cấp, phân quyền cho địa phương. Ở cấp Trung ương đang tập trung tháo gỡ các thông tư, nghị định phù hợp với quy định pháp luật làm cơ sở để các địa phương triển khai. Ban Chỉ đạo Trung ương cũng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.
Trong đó, Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị ở 3 miền, ghi nhận hơn 300 ý kiến, kiến nghị, từ đó ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG.
Ban Chỉ đạo Trung ương duy trì các cuộc họp định kỳ và đột xuất, ban hành văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với bộ, ngành, địa phương còn chậm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã trực tiếp nhiều lần tới các xã vùng sâu vùng xa như xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn - là một trong hai huyện huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai… để nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của địa phương.
Bên cạnh đó, với vai trò chủ trì Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBDT cũng chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các cơ quan chủ dự án, tiểu dự án thành phần trong công tác rà soát, tổng hợp, hoàn thiện kế hoạch phương án phân bổ vốn để đảm bảo sự hiệu quả, minh bạch, khách quan, tuân thủ đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các hoạt động huy động nguồn lực hỗ trợ bổ sung (bao gồm hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật) từ các nhà tài trợ, đối tác phát triển cho Chương trình đang được tổ chức thực hiện như: Chuyển phát 2.000 điện thoại thông minh cho người có uy tín; hỗ trợ phục vụ hoạt động chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện Chương trình; xây dựng Cẩm nang số về hướng dẫn thực hiện Chương trình; tổ chức triển khai Dự án Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi sử dụng ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland.
Nhìn chung, cơ chế, chính sách, các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện phân bổ, giải ngân vốn thực hiện Chương trình đã khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải nguồn lực tài chính, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước; việc phân bổ bảo đảm sự ưu tiên dành nguồn lực ngân sách để tập trung đầu tư, hỗ trợ những nơi khó khăn hơn nhằm tạo chuyển biến trong thực hiện chính sách hỗ trợ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, UBDT phối hợp với các bộ, ngành tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra thực tế tại cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình.
Để triển khai Chương trình có hiệu quả, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh: "Phải có quyết tâm cao, phát huy vai trò, sự tham gia, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người dân; tăng cường tuyên truyền vận động, tạo đồng thuận trong nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính dân chủ; tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý, nhân rộng điển hình; rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý, kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; thực hiện tốt quy chế phối hợp".
Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong công tác phối hợp rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc theo phản ánh từ cấp cơ sở, chủ đầu tư để tham mưu các cấp, các ngành giải quyết, tháo gỡ theo quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kinh phí được giao và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình đề ra.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong suốt quá trình triển khai để kịp thời phát hiện, xử lý, khắc phục những hạn chế, sai sót, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường vai trò và sự tham gia Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Tăng cường phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư gắn với việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý và giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình. Thực hiện phân cấp, trao quyền cho địa phương thực hiện Chương trình đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định số 27 của Chính phủ và Công điện số 501/CĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện.
Sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cơ quan bộ, ngành cũng như chính quyền các cấp tại mỗi địa phương đã cho thấy sự quyết tâm trong triển khai thực hiện Chương trình. Tin tưởng rằng, Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ là đòn bẩy thực sự tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các địa phương miền núi còn nhiều khó khăn; tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS có cơ hội phát triển vươn lên, giúp cho đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào DTTS và miền núi nước ta ngày được nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS sẽ có thêm nhiều khởi sắc.
Hoàng Giang