Bà Hải công tác tại UBND phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận từ ngày 1/8/2003 với chức danh kế toán ngân sách, ngạch 01.004. Tháng 8/2009 bà hưởng lương hệ số 2.46; thời gian nâng lương lần sau là 1/8/2009. Tháng 8/2010 bà Hải có bằng đại học và được chuyển xếp ngạch 01.003; hệ số lương 2,67 từ ngày 1/11/2010.
Tháng 9/2011 bà Hải làm đơn xin nghỉ việc và có Quyết định nghỉ việc của UBND TP. Phan Thiết kể từ ngày 1/11/2011.
Ngày 1/11/2011 bà Hải thi tuyển và được tuyển dụng vào làm tại Cục thuế tỉnh Bình Thuận; ngạch 01.003; hệ số lương 2,34 (được miễn chế độ tập sự).
Bà Hải hỏi, khi nghỉ việc tại UBND phường bà có được hưởng trợ cấp thôi việc không? Nếu được thì cơ quan nào chi trả? Khi chuyển sang cơ quan Thuế bà có được giữ nguyên mức lương không?
Trường hợp của bà Trần Thái Minh Hải, Luật sư Lê Văn Đài - Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Điều 29, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn quy định công chức cấp xã được hưởng chế độ thôi việc trong các trường hợp sau:
- Theo nguyện vọng và được UBND cấp huyện đồng ý;
- Do 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức;
Thủ tục giải quyết thôi việc, trợ cấp thôi việc, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) khi thôi việc đối với công chức cấp xã được áp dụng theo quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 8 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4 /2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.
Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc đối với công chức cấp xã được bố trí trong dự toán chi hoạt động thường xuyên của UBND cấp xã được cấp có thẩm quyền giao hàng năm.
Trường hợp được tính hưởng trợ cấp khi thôi việc
Theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 46/2010/NĐ-CP nêu trên, công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 (một) tháng lương hiện hưởng.
Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian tính theo năm có đóng BHXH (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) chưa nhận trợ cấp thôi việc. Thời gian làm việc này, nếu có tháng lẻ thì được tính như sau:
- Dưới 3 tháng thì không tính;
- Từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng thì được tính bằng 1/2 năm làm việc;
- Từ trên 6 tháng đến 12 tháng thì được tính bằng 1 năm làm việc.
Trường hợp bà Hải là công chức phường, thôi việc theo nguyện vọng và được UBND thành phố (trực thuộc tỉnh) đồng ý, là đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc đối với công chức phường được bố trí trong dự toán chi hoạt động thường xuyên của UBND phường được cấp có thẩm quyền giao hàng năm. Cơ quan chi trả trợ cấp thôi việc là UBND phường.
Tại điểm a, khoản 1 Điều 11 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ có quy định việc xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc khi được tuyển dụng đang được xếp lương theo ngạch, bậc theo bảng lương do Nhà nước quy định ở cơ quan, đơn vị chuyển đi. Theo đó, trường hợp bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch chuyên viên trở xuống thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định xếp ngạch, bậc lương theo thẩm quyền và theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ.
Bà Hải sau khi thôi việc tại UBND phường, mới tham gia thi tuyển và được tuyển dụng vào làm tại Cục thuế tỉnh, không phải là trường hợp đang hưởng lương theo ngạch công chức mà được điều động, luân chuyển, chuyển công tác (vì bà đã nghỉ việc, thôi hưởng lương), nên không thuộc trường hợp áp dụng quy định trên.
Khi tuyển dụng bà Hải được bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch phù hợp với vị trí và chuyên môn, nghiệp vụ của công việc mới được đảm nhiệm; được miễn thời gian tập sự vì đã có thời gian đóng BHXH lớn hơn thời gian tập sự 12 tháng; được bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc trước đây để cộng nối với thời gian tiếp tục tham gia BHXH là đúng quy định.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.