In bài viết

Chuyện 'con nuôi' của những người lính quân hàm xanh

(Chinhphu.vn) - Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” được coi là điểm tựa vững vàng cho các em học sinh mồ côi, đặc biệt khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Những đứa trẻ ấy lớn lên trong tình yêu thương và sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Những câu chuyện về “Con nuôi Đồn Biên phòng” càng làm đậm thêm tình đoàn kết giữa bộ đội biên phòng và người dân vùng biên.

07/03/2023 14:32
Chuyện 'con nuôi' của những người lính quân hàm xanh - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng La Ủ hướng dẫn học tập cho hai "con nuôi" Vàng Lò Hừ và Giàng Cà Hừ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thấm thoắt đã 3 năm, Vàng Lò Hừ và Giàng Cà Hừ (cùng sinh năm 2010) lớn lên trong tình yêu thương của những "người bố" quân hàm xanh tại Đồn Biên phòng Pa Ủ (Lai Châu).

Hai cậu bé người dân tộc La Hủ có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều rất đáng thương. Vàng Lò Hừ ở bản Xà Hồ, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, mồ côi bố mẹ từ sớm. Hừ sống cùng ông nội, gia đình thuộc diện hộ nghèo, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. So với Vàng Lò Hừ, Giàng Cà Hừ ở bản Mu Chi thì có chút may mắn hơn, bởi cậu bé còn bố mẹ nhưng sinh ra trong gia đình đông anh chị em, gia đình thuộc diện hộ nghèo, nên cuộc sống cũng bấp bênh, vất vả.

Hoàn cảnh gia đình bất hạnh, khó khăn, việc hai em phải nghỉ học giữa chừng đã hiện hữu trước mắt. Do đó, Đồn biên phòng Pa Ủ đã nhận hai em về nuôi, hỗ trợ để các em có cơ hội học tiếp, không vì hoàn cảnh mà dang dở chuyện học hành giữa chừng.

Thời gian đầu ở đồn biên phòng, hai cậu bé còn nhiều bỡ ngỡ với các chế độ quy định và hoạt động của đơn vị. Hiện Vàng Lò Hừ và Giàng Cà Hừ đã học lớp 7 và quen với nếp sinh hoạt, kỷ luật trong Đồn Biên phòng. Hai cậu bé cũng thực hiện 11 chế độ trong ngày và 3 chế độ trong tuần giống như một quân nhân. Từ những cậu bé nhút nhát, nhờ được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ quan tâm, động viên, khích lệ, Vàng Lò Hừ và Giàng Cà Hừ ngày càng tự tin hơn.

Giàng Cà Hừ chia sẻ: "Bố mẹ cháu làm nông, nhà có 6 anh chị em, cháu là thứ 4. Nhà cháu nghèo, ruộng nương ít, chỉ nuôi vài con vịt, con gà nên có những bữa không đủ ăn. Các chú biên phòng ở đây rất tốt, cháu về đây được ăn uống đầy đủ, được tới trường, được các chú dạy dỗ chỉ bảo. Hằng ngày, các chú đưa đón cháu tới trường, tối đến, các chú dạy học".

Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ nhớ lại, ngày đầu gặp Giàng Cà Hừ khi cậu bé còn là học sinh lớp 5 tại điểm trường Mu Chi thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ. Giàng Cà Hừ lúc ấy còn rất rụt rè, ngại va chạm, mặc dù khi đó cháu là một học sinh được nhà trường tin tưởng giao làm Liên đội trưởng của điểm trường.

"Tôi rất xúc động và cảm thương với hoàn cảnh của gia đình và ý chí vươn lên của cháu Giàng Cà Hừ. Tôi đã đặt vấn đề với đơn vị xin được nhận nuôi Giàng Cà Hừ làm con nuôi của đồn", Thiếu tá Ngô Văn Phương nói.

Thiếu tá Phương đã báo cáo với cấp uỷ, ban chỉ huy đơn vị để thống nhất báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu về việc nhận nuôi các cháu.

Về sống cùng các chú bộ đội biên phòng, hai cậu bé được bố trí phòng rộng rãi, có góc học tập đầy đủ đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết… và được những bố nuôi quân hàm xanh yêu thương, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ và giáo dục, hướng dẫn học tập.

Từ ngày có hai đứa trẻ về ở cùng, đồn biên phòng vui hơn hẳn. Thế nhưng, đón các con về ăn ở, học tập cũng khiến cho những người lính biên phòng phụ trách địa bàn thêm phần vất vả, bận rộn và cả những lo âu. Hằng ngày, dù nắng gắt hay mưa rừng, các anh cũng cắt cử người đưa đón các con tới trường 4 lượt/ngày, rồi chuẩn bị từng bữa cơm, giấc ngủ cho các con. Tối đến, các anh vẫn sáng đèn hướng dẫn, chỉ bảo các con từ bài tập làm văn cho đến những bài toán khó.

"Hằng ngày 2 con thực hiện các chế độ giờ giấc theo quy định của quân đội, đơn vị; tham gia các công việc phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ như tự bảo đảm trật tự nội vụ, cùng cán bộ, chiến sĩ tham gia vệ sinh xung quanh đơn vị và phòng nghỉ; được dạy võ thể dục, các bài tập xà đơn, xà kép … để rèn luyện, tăng cường sức khoẻ, được dạy, hướng dẫn các kỹ năng giao tiếp, đi lại", Thiếu tá Phương cho biết.

Sau thời gian dài được những người "bố" mang quân hàm xanh chăm sóc, chỉ dạy, hai cậu bé đã không ngừng phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Năm học 2021-2022, Giàng Cà Hừ đạt danh hiệu học sinh giỏi còn Vàng Lò Hừ đạt danh hiệu học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Cả 2 đều được nhà trường nhận xét, đánh giá ngoan ngoãn, chịu khó, cố gắng trong học tập và tham gia nhiệt tình các phong trào, đạt hạnh kiểm tốt.

Tại đơn vị, 2 con luôn chấp hành tốt các quy định, ngoan ngoãn, lễ phép, nhiệt tình tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng, thể lực và các công việc phù hợp, tự giác học tập và lắng nghe chỉ dạy của cán bộ, chiến sĩ. 

Cứ khoảng 3-4 tuần, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ lại chuẩn bị quà (mỳ tôm, thịt, cá…) rồi đưa các con về thăm và trao quà cho gia đình, sau đó lại đón con về đồn. Hằng tháng đơn vị cũng hỗ trợ 400.000 đồng/con/tháng và quan tâm mua cho các con đồ dùng sinh hoạt, học tập; kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các đoàn thiện nguyện ủng hộ, hỗ trợ cho các con các trang thiết bị, đồ dùng phục vụ học tập, sinh hoạt như: Xe đạp, quần áo, giày dép, sách vở, thước, bút …

Đã 3 năm kể từ ngày Vàng Lò Hừ, Giàng Cà Hừ về ở tại Đồn Biên phòng Pa Ủ, những người lính Biên phòng đã quen với sự có mặt của hai đứa trẻ và được coi như thành viên của đơn vị. Từ chỗ thương cảm cho hoàn cảnh đứa trẻ thiệt thòi đến yêu thương, tình cảm của người lính dành cho hai con cứ thế được bồi đắp, lớn dần theo từng ngày, không khác gì tình cha con.

Tại Lai Châu, chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng" được triển khai ở 22 xã biên giới. Trong năm 2022, chương trình tiếp tục nhận đỡ đầu 55 cháu học sinh với số tiền trung bình từ 500.000-1.000.000 đồng/tháng/cháu và nhận 7 cháu làm con nuôi đồn biên phòng. Bội đội Biên phòng Lai Châu cũng tham gia chương trình xã hội học tập, phổ cập giáo dục, vận động 129 học sinh bỏ học trở lại trường, 334 học sinh trong độ tuổi đến trường.

"Đây là một chương trình hết sức có ý nghĩa nhân văn, chính vì vậy chúng tôi đang phát động các đơn vị phối hợp với các địa phương các nhà trường rà soát xét chọn và tiếp tục nhận các trường hợp để làm con nuôi đồn biên phòng. Qua đó tạo điều kiện học tập, ăn ở sinh hoạt tốt hơn để các em có tương lai tươi sáng hơn. Thông qua chương trình, lực lượng Biên phòng và địa phương, nhân dân 2 tuyến biên giới gắn bó hơn và tình cảm hơn", Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lai Châu cho hay.

Chuyện 'con nuôi' của những người lính quân hàm xanh - Ảnh 2.

Hằng ngày, dù nắng gắt hay mưa rừng, các chiến sĩ biên phòng cũng cắt cử người đưa đón các con tới trường 4 lượt/ngày - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ươm mầm bền vững nơi biên cương

Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng, từ năm 2013 đến nay, với phương châm "thực tâm, thực chất, trách nhiệm, hiệu quả", Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng" bằng nguồn kinh phí vận động từ cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng. Hằng năm, các đơn vị trong toàn lực lượng đã nhận đỡ đầu gần 3.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ, không nơi nương tựa, con gia đình chính sách ở khu vực biên giới đến khi học hết lớp 12, trong đó, có gần 200 học sinh nước bạn Lào và Campuchia ở địa bàn biên giới.

Năm học 2021-2022, Bộ đội Biên phòng đã nhận giúp đỡ 2.487 em học sinh (trong đó 81 em Lào, 84 em Campuchia); 359 em là con nuôi tại các đồn biên phòng. Năm học 2022 - 2023, tiếp tục nhận giúp đỡ 2.437 em học sinh (trong đó 75 em người Lào, 100 em người Campuchia); 388 em làm con nuôi tại các đồn biên phòng (231 em nuôi tại đồn, 157 em nuôi tại gia đình).

Qua 10 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao; cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới đồng tình, ủng hộ...

Về cơ bản các em học sinh ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu, hỗ trợ, đảm bảo điều kiện cần thiết để đến trường; tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng hằng năm giảm đáng kể; các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các đồn biên phòng nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc, đảm bảo điều kiện về vật chất, tinh thần; các cháu mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện thể chất, từng bước khôn lớn, trưởng thành về mọi mặt.

Qua mỗi năm học, kết quả học tập, rèn luyện của từng em tiến bộ rõ rệt; tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng; số tốt nghiệp THPT cao hơn; các em đỗ đại học nhiều hơn, nhiều em đỗ điểm cao, vào học các trường có uy tín, chất lượng, có điều kiện phấn đấu trưởng thành và là công dân có ích cho xã hội. Năm học 2021 – 2022, có 78 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trường nghề.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho biết việc thực hiện chương trình thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo.

Đặc biệt, hiệu quả của chương trình không chỉ là kết quả học tập, rèn luyện của các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mà trái ngọt còn là sự phát triển bền vững, lâu dài của vùng biên giới, hải đảo. Bởi thông qua việc đỡ đầu, nuôi dưỡng các em là cơ sở để BĐBP phát hiện, bồi dưỡng, "ươm mầm" những hạt nhân nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời góp phần tăng cường đoàn kết quân-dân, tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng, phát triển vùng biên giới ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc thế trận lòng dân bảo vệ biên cương Tổ quốc".

Hoàng Giang