Đại sứ Jaya Ratnam đưa ra bình luận trên khi trao đổi với phóng viên về ý nghĩa chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với quan hệ hai nước.
Theo Đại sứ, Thủ tướng Phạm Minh Chính là vị khách quý đầu tiên mà Quốc đảo Sư tử tiếp đón sau Tết Nguyên đán, đón chào năm mới, hứa hẹn nhiều khởi đầu mới.
Đặc biệt hơn, ông kỳ vọng, chuyến thăm sẽ tạo ra cơ hội tốt để lãnh đạo hai nước vạch ra lộ trình hợp tác trong thập kỷ tiếp theo.
Đại sứ Jaya Ratnam cho biết, hợp tác kinh tế đã và đang là điểm nhấn cho mối quan hệ song phương. Singapore vui mừng và tự hào được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.
"Việt Nam đã và đang là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu", ông Jaya Ratnam đánh giá.
Năm ngoái, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19, tăng trưởng GDP trên 8%. Kết quả trên không chỉ phản ánh quyết tâm của người dân Việt Nam mà còn cho thấy tầm nhìn rõ ràng của Chính phủ trong việc định hướng cho đất nước tiến lên, ông Jaya Ratnam nói.
Theo Đại sứ, các công ty của Singapore đã nhận ra tiềm năng to lớn của nền kinh tế Việt Nam.
Trong ba năm qua, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Tiêu biểu, 12 khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) trải dài khắp các tỉnh, thành phố thuộc ba miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam đã tạo công ăn việc làm cho trên 300.000 lao động, thu hút hơn 17 tỷ USD vốn đầu tư, hướng tới đổi mới sáng tạo đóng góp vào sự tăng trưởng của Việt Nam.
"Trong tương lai, chúng tôi cũng mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội phát triển cho quan hệ Singapore-Việt Nam hướng tới nhiều lĩnh vực khác như kinh tế số, năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon và cơ sở hạ tầng bền vững", Đại sứ cho biết.
Đại sứ khuyến nghị hai nước nên tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác kinh tế xanh và số hóa.
Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon trong dài hạn. Quan hệ hợp tác sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng mỗi nước nói riêng và ASEAN nói chung khi cả hai đang nỗ lực tìm cách đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Theo ông Jaya Ratnam, đại dịch COVID-19 cũng khẳng định tầm quan trọng của số hóa thương mại, thương mại điện tử, chống biến đổi khí hậu và hoạt động kinh doanh liên tục.
Singapore và Việt Nam đều mong muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế số và Chính phủ số, đều mong muốn hợp tác để áp dụng các công cụ kỹ thuật số ở mức cao nhất nhằm cải thiện cuộc sống của người dân.
Đây là hai lĩnh vực then chốt mới mà Singapore và Việt Nam đang tìm cách hợp tác với nhau bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống khác.
Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, Đại sứ kỳ vọng, chuyến thăm sẽ làm nổi bật ba trụ cột trong quan hệ hai nước gồm chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 đến nay, quan hệ Singapore-Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nền tảng tin cậy chính trị vững chắc.
Các thế hệ lãnh đạo hai nước luôn nỗ lực tăng cường sự hiểu biết, thường xuyên có những trao đổi song phương. Đặc biệt, quan hệ song phương phát triển vượt bậc kể từ chuyến thăm cấp cao đầu tiên của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tới Việt Nam năm 1992 và sau đó là Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Singapore năm 1993.
Đại sứ nhấn mạnh, mối quan hệ bền chặt của các nhà lãnh đạo cũng cho phép chúng ta gắn kết với nhau vì hai nước là đối tác thân thiết trên các diễn đàn đa phương, chia sẻ nhiều quan điểm chung về nhiều vấn đề khu vực. Cụ thể, hai nước cam kết duy trì vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN, thúc đẩy mở cửa biên giới dựa trên luật lệ và tăng cường hợp tác kinh tế khu vực.
Kể từ khi hai nước mở cửa sau đại dịch, giao lưu nhân dân đã nhanh chóng phục hồi, nhất là trong lĩnh vực du lịch, trao đổi văn hóa, quan trọng nhất là trao đổi sinh viên.
Singapore góp phần hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, giúp đỡ đào tạo hơn 20.000 cán bộ Việt Nam.
Đại sứ khẳng định quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tất cả các lĩnh vực hợp tác khác trong mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore./.
Hương Giang