Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vừa phối hợp tổ chức Chương trình Đối thoại quốc gia: "Chuyển dịch năng lượng bền vững – Quản trị, Tài chính và Công nghệ"
Đây là chương trình thuộc khuôn khổ dự án "Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á" (CASE), do Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu CHLB Đức tài trợ.
Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Xuyên suốt chương trình đối thoại là những ý kiến trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam trong xây dựng định hướng chiến lược và kế hoạch chuyển dịch năng lượng bền vững nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ XXI.
Các đại diện từ các cơ quan của Quốc hội Việt Nam và Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cùng chia sẻ chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Quốc hội để thúc đẩy lộ trình chuyển dịch năng lượng (CDNL). Các bộ ngành, cơ quan khoa học của Việt Nam cũng trao đổi về định hướng chiến lược phát triển ngành để hướng tới mục tiêu phát thải thấp.
Bên cạnh đó, Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu CHLB Đức (BMWK) và Bộ Năng lượng Indonesia cũng đóng góp những kinh nghiệm thực tiễn trong lộ trình hướng tới phát thải bằng 0 (Net-zero).
Những kết quả bước đầu của quá trình CDNL thời gian qua đã cho thấy quá trình triển khai có thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu. Các giải pháp về quản trị, trọng tâm là cơ chế, chính sách, pháp luật là yếu tố then chốt cho CDNL công bằng và bền vững; cùng với đó là các vấn đề về tài chính, công nghệ, kỹ thuật và lộ trình giảm phát thải cho các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Vấn đề hợp tác, trong đó có hợp tác quốc tế ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, địa phương, cộng đồng, giữa các ngành, lĩnh vực và các bên liên quan đóng vai trò hết sức quan trọng.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững thông qua thực hiện các quyền lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong giai đoạn trước mắt, cần tập trung hoàn thiện thể chế về phát triển năng lượng, trọng tâm là nghiên cứu, đánh giá tình hình, rà soát hệ thống pháp luật phục vụ cho việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản, xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo; thực hiện có hiệu quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2021 về thực hiện chính sách, pháp luật đối với phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Đặc biệt, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Nghị quyết đề ra quan điểm "Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, chuyển dịch năng lượng (CDNL) bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất nhưng vẫn bảo đảm an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường là một xu hướng tất yếu ở quy mô toàn cầu mà Việt Nam đã kịp thời nắm bắt và bắt đầu thúc đẩy mạnh mẽ. "Đây là quá trình đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của quốc tế để giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập cả ở góc độ chính sách, quản trị, tài chính, công nghệ", ông Huy nhấn mạnh
Theo bà Vũ Chi Mai, Giám đốc dự án CASE, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tình hình cung ứng năng lượng truyền thống, CDNL hơn bao giờ hết trở thành một nhu cầu và là giải pháp.
Dại diện dự án CASE cho rằng tiến trình CDNL cần sự đồng hành cam kết của nhiều cơ quan, đơn vị ở mọi cấp độ.
Bên cạnh việc tổ chức những diễn đàn đối thoại cao cấp, dự án cũng thực hiện việc nghiên cứu để đưa ra các bằng chứng cụ thể giúp Quốc hội giám sát và thúc đẩy tốt hơn nữa CDNL bền vững và công bằng.
Hội nghị đánh giá cao vai trò của Chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ và dự án CASE đã rất tích cực tổ chức sự kiện này cùng với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Qua đó, các bên cùng chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy quá trình CDNL trên thế giới, kinh nghiệm của Đức về CDNL bền vững, các chính sách của Việt Nam trong quá trình CDNL cũng như vai trò của CDNL trong thích ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Để nghiên cứu, thực hiện các giải pháp, khuyến nghị lộ trình theo ý kiến tham luận của các chuyên gia, cần có sự tiếp tục phối hợp nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn chuyên gia ở nhiều góc độ.
Đồng thời khuyến nghị hoàn thiện quy định chính sách cụ thể về tài chính, thuế, kiểm soát phát thải khí nhà kính, chuyển đổi công nghệ, đánh giá tác động đến phát triển kinh tế-xã hội.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế với những thông tin tham vấn chất lượng, có căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để tham mưu việc rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là các luật, nghị quyết của Quốc hội và việc tăng cường giám sát của Quốc hội đối với các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng bền vững
Toàn Thắng