Sáng 24/9, qua một thời gian chuẩn bị kỹ càng, Đối thoại hữu nghị TPHCM lần thứ 2 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác" chính thức khai mạc, mở ra cánh cửa thúc đẩy quan hệ giữa TPHCM với các địa phương kết nghĩa trên thế giới.
Dự sự kiện có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cùng hơn 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TPHCM.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TPHCM và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, Thành phố buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TPHCM được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.
Về khía cạnh nội tại, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TPHCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Theo số liệu thống kê, hiện tại tỉ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của Thành phố.
"Mục tiêu của TPHCM là nâng tỉ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của Thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của Thành phố trong cả nước và khu vực", ông Mãi nhấn mạnh.
Về xu hướng toàn cầu, theo ông Mãi, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Theo báo cáo của McKinsey & Company, khoảng 70% các công ty đa quốc gia đã cam kết cắt giảm ít nhất 25% lượng khí thải carbon của mình vào năm 2030. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. Do đó, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TPHCM cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này.
Để ứng phó với những thách thức này, TPHCM đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Mục tiêu của Thành phố là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.
Thành phố cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh, và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM khẳng định, chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 60% các sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cả trong và ngoài nước.
"Đây chính là lý do tại sao Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và khám phá các cơ hội hợp tác mới", ông Mãi nói và bày tỏ tin tưởng, thông qua những nỗ lực chung, Thành phố có thể phát triển các giải pháp sáng tạo cho những thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, Bộ Ngoại giao rất trân trọng và đánh giá cao sáng kiến của TPHCM duy trì tổ chức Đối thoại hết sức ý nghĩa này, thể hiện sự tích cực, chủ động, sáng tạo của Thành phố trong triển khai công tác đối ngoại.
Theo Thứ trưởng, chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển" thể hiện tư duy nhạy bén, nắm bắt trúng và đúng những xu thế phát triển của thời đại, những yêu cầu đặt ra đối với TPHCM cũng như các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế của các nước trên thế giới.
Chủ đề này sẽ tạo cơ hội quý báu để Thành phố và các thành phố kết nghĩa cùng thảo luận và tăng cường hợp tác, vì sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi quốc gia và cộng đồng thế giới trong nhiều thập kỷ tới.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, Đối thoại hữu nghị lần này cần thảo luận làm rõ đâu là cơ hội, thách thức đặt ra đối với các địa phương trong bối cảnh chuyển đổi công nghiệp theo hướng thông minh và bền vững hiện nay và làm thế nào để thực sự đưa nguồn nhân lực và khoa học công nghệ trở thành đột phá trong chuyển đổi công nghiệp.
"Chúng ta cần xây dựng các mô hình, phương thức hợp tác gì để cùng nhau kiến tạo hệ sinh thái chuyển đổi công nghiệp. Đồng thời, rất mong qua Hội nghị, các thành phố đối tác sẽ chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn và thúc đẩy các ý tưởng hợp tác mới với TPHCM để đưa chuyển đổi công nghiệp trở thành một động lực tăng trưởng của Thành phố trong giai đoạn tới", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh.
Anh Thơ