In bài viết

Chuyển đổi Cty nhà nước hoạt động theo Luật DNNN thành Cty TNHH MTV hoạt động theo Luật DN

(Chinhphu.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

17/11/2022 18:26
Chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - Ảnh 1.

Quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với phần vốn và tài sản nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; góp phần ổn định tình hình lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, trên phạm vi toàn quốc vẫn còn tồn tại một số công ty đang duy trì mô hình tổ chức là công ty nhà nước theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 và công ty được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 là công ty con trong nhóm công ty mẹ - công ty con (trong đó Công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ – gọi là công ty mẹ), chưa thực hiện chuyển đổi theo loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành (gọi là công ty chưa chuyển đổi).

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty, việc thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, tổ chức và hoạt động của các công ty chưa chuyển đổi còn gặp một số vướng mắc: Về quy định đăng ký chuyển công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp: Ngày 19/3/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2010/NĐ-CP quy định việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV và tổ chức quản lý công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Trong đó đã quy định một số nội dung về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển đổi đối với công ty nhà nước thành các loại hình doanh nghiệp tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 (công ty cổ phần, công ty TNHH). Đến nay, chưa có văn bản pháp lý nào quy định nội dung về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV tại Nghị định số 25/2010/NĐ-CP hết hiệu lực.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định tại Nghị định số 25/2010/NĐ-CP không còn phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi đang hoạt động bao gồm: (i) một số doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi hiện không đảm bảo đủ điều kiện về ngành, lĩnh vực hoạt động và còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính theo quy định tại Nghị định số 25/2010/NĐ-CP; (ii) Các văn bản hướng dẫn đăng ký chuyển đổi công ty nhà nước để tiếp tục hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp nêu trên được thực hiện vận dụng các quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Tuy vậy, đến nay các văn bản này đã hết hiệu lực.

Về quy định thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước: Các quy định pháp luật hiện hành về cổ phần hoá doanh nghiệp (Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ) và sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu (Nghị định số 23/2022/NĐ-CP) quy định đối tượng thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên, chuyển giao doanh nghiệp là các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Do đó, các công ty chưa chuyển đổi không thể thực hiện sắp xếp lại theo các quy định nêu trên do không thuộc đối tượng; trừ trường hợp công ty nhà nước là công ty nông, lâm nghiệp thì thực hiện sắp xếp theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Căn cứ vào phân tích trên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép thực hiện chuyển đổi sở hữu (cổ phần hoá, chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên, bán toàn bộ doanh nghiệp), sắp xếp lại (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và giải thể doanh nghiệp) công ty nhà nước tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003; doanh nghiệp nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 chưa chuyển đổi loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Để có căn cứ cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp có thể đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, làm cơ sở cho việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu cho các doanh nghiệp này, việc ban hành Nghị định về chuyển đổi công ty nhà nước thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp là cần thiết.

Nghị định sau khi được ban hành sẽ tạo khung pháp lý giúp các cơ quan đại diện chủ sở hữu, công ty mẹ là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty mẹ) thực hiện chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành; giúp quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với phần vốn và tài sản nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; góp phần ổn định tình hình lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tình trạng lãng phí trong việc sử dụng đất, khắc phục vướng mắc trong xử lý, sắp xếp đất đai tại một số công ty nhà nước (như: TP Cần Thơ, tỉnh Đắc Nông….).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Khánh Linh