Hội nghị và triển lãm Biztech Việt Nam 2024 vừa chính thức khai mạc với chủ đề "Chuyển đổi số xanh - Tăng trưởng bền vững".
Đây là lần thứ hai chương trình được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) nhằm mục đích kết nối B2B (doanh nghiệp), B2B2C (doanh nghiệp và người tiêu dùng), thúc đẩy chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp.
Chương trình diễn ra trong 2 ngày 10-11/5 với sự tham dự của hơn 2.000 lượt đại biểu, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp, 50 diễn giả, chuyên gia.
Theo báo cáo khảo sát CEO toàn cầu lần thứ 27 của PwC, 45% CEO toàn cầu không tự tin, liệu doanh nghiệp có thể sống sót được trong thập kỷ tới nếu vẫn tiếp tục con đường phát triển như hiện nay. Con số này tăng hơn 6% so với kết quả khảo sát năm 2023 là 39%.
Vì vậy, việc thay đổi là bắt buộc trước sự biến động rất lớn về các điều kiện kinh tế, chính trị toàn cầu. Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh là giải pháp cho sự phát triển bền vững.
Cũng theo kết quả khảo sát, 3 động lực lớn nhất của việc thực hiện ESG (chỉ số đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng) của doanh nghiệp, đó là cải thiện hình ảnh, thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp (78%); duy trì cạnh tranh trên thị trường (63%); áp lực từ nhà đầu tư (40%). Áp lực từ Chính phủ không phải là gánh nặng thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện ESG với chỉ 28% người lựa chọn trả lời.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng, chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng được lòng trung thành của khách hàng, cải thiện được chỉ tiêu tài chính, tăng lợi thế cạnh tranh, tạo ra khả năng vận hành bền vững và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia của Viện tiêu chuẩn Anh, chuyển đổi số là tăng khả năng thích ứng, chống chịu và chuyển đổi xanh là giảm phát thải, tăng trưởng xanh - giúp phát triển bền vững.
Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh đang là cặp song sinh chuyển đổi quan trọng nhất. Muốn xanh phải dùng số - không có số thì không thể chuyển nhanh. Muốn số phải dùng xanh. Nếu không dùng công nghệ xanh sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và hủy hoại trái đất.
Vì vậy, theo báo cáo của Boston Consulting Group, 80% các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch đầu tư cho ESG, và 60% doanh nghiệp coi ESG là trọng tâm chủ chốt hoặc tiêu chí chủ chốt trong việc lựa chọn và ưu tiên các sáng kiến số.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinisa, Trưởng Ban tổ chức cho biết, Chính phủ cam kết rất mạnh mẽ của về Netzero. Các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu đã bắt đầu áp dụng cơ chế điều chỉnh Carbon - những rào cản, tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh, về ESG đối với các hàng hóa, dịch vụ, giải pháp nhập khẩu. Ngay cả các doanh nghiệp công nghệ, cung cấp dịch vụ CNTT cho Nhật, châu Âu, cũng đã bắt đầu phải khai báo, đáp ứng những tiêu chuẩn về ESG cho đối tác hàng năm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ, ngoài việc phải triển khai chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, thực hành ESG cho mình, còn gánh thêm trọng trách, nỗ lực hỗ trợ khách hàng chuyển đổi.
Trong khuôn khổ Hội nghị và triển lãm Biztech Việt Nam 2024, Ban tổ chức cũng tổ chức nhiều phiên hội thảo như Quản trị doanh nghiệp 4.0; chuyển đổi số quản trị khách hàng…
HM