Ngày 10/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024). Với chủ đề "Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Từ kế hoạch đến hành động", Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn gồm Phiên toàn thể và 3 phiên hội thảo chuyên đề tập trung vào các nội dung: Thiết kế theo hướng kinh tế tuần hoàn (vật liệu thay thế); Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Tái sử dụng, tái nạp, dịch vụ, công cụ số, thị trường…); Biến chất thải thành tài nguyên (phân loại và tái chế).
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh việc thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. "Hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, đồng thời thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn", Thứ trưởng Trần Quý Kiên khẳng định.
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần ưu tiên 4 việc chính: lồng ghép thiết kế kinh tế tuần hoàn vào các chính sách; ưu tiên các ngành chính về nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may và vật liệu xây dựng; đảm bảo các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý; chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn phải là nỗ lực của toàn xã hội…
Theo bà Ramla Khalidi, chúng ta đang ở thời điểm trước thềm năm 2025. Chỉ còn 5 năm nữa là tới vạch đích của mục tiêu Phát triển bền vững và một nửa chặng đường cho tới Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2030.
"Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn này: giảm gần 16% lượng phát thải khí nhà kính, đảm bảo xử lý 95% nước thải đô thị và tăng GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD. Những tham vọng này phản ánh cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững và phúc lợi của người dân", bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Theo bà Ramla Khalidi, để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần phải vượt qua những thách thức đáng kể. Ô nhiễm rác thải, không khí và nhựa, bao gồm cả ở Hà Nội xinh đẹp, nhắc nhở chúng ta về khó khăn trong việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bảo vệ môi trường.
"Nền kinh tế tuần hoàn mang đến một cơ hội mạnh mẽ để giải quyết những thách thức này. Nhưng chúng ta phải hành động thật nhanh chóng, gấp rút chuyển đổi từ lập kế hoạch sang hành động", bà Ramla Khalidi lưu ý, đồng thời cho biết UNDP là đơn vị đã ủng hộ nhiều năm cho phát triển bền vững và đã xây dựng tầm nhìn để thúc đẩy chương trình nghị sự mang tính chuyển đổi cho nền kinh tế tuần hoàn toàn diện và ít carbon.
Theo bà Ramla Khalidi, để biến nền kinh tế tuần hoàn thành hiện thực, chúng ta phải coi đó không phải là một khái niệm độc lập, mà là một phương pháp tiếp cận toàn diện, tích hợp, tác động đến mọi khía cạnh của nền kinh tế và xã hội.
Bà Ramla Khalidi đề xuất 4 con đường chính để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Thứ nhất, chúng ta phải tích hợp thiết kế sinh thái vào các chính sách. Các chính sách dựa trên bằng chứng là "chìa khóa" để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Phân tích kỹ hơn về đề xuất này, bà Ramla Khalidi cho rằng, Việt Nam có thể dẫn đầu chương trình nghị sự đổi mới bằng cách đưa thiết kế sinh thái vào lộ trình kinh tế tuần hoàn của mình, đặt ra các mục tiêu có thể đo lường được đối với nội dung tái chế, tuổi thọ sản phẩm và hiệu quả năng lượng. Các biện pháp như vậy không chỉ đưa Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu, mà còn thúc đẩy khả năng cạnh tranh.
Thứ hai, chúng ta nên ưu tiên các ngành then chốt để tích hợp các hoạt động tuần hoàn.
Tăng trưởng của Việt Nam gắn chặt với thương mại quốc tế và các chính sách như "Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon" của Liên minh châu Âu, có thể tác động đến các ngành hướng đến xuất khẩu như nuôi trồng thủy sản, sản xuất cà phê và trồng cây ăn quả.
"Việt Nam nên ưu tiên các ngành có liên quan chặt chẽ đến thương mại. Các ngành như nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may và vật liệu xây dựng. Bằng cách ưu tiên các ngành này, Việt Nam có thể phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững và khả năng thích ứng lâu dài", bà Ramla Khalidi nói.
Thứ ba, chuyển đổi tuần hoàn nên được lồng ghép vào các cải cách thể chế hiện tại.
Trong bối cảnh nền kinh tế tuần hoàn, việc hợp lý hóa khuôn khổ quản trị và quy trình quản lý chính là chìa khóa. Ví dụ, việc đơn giản hóa các thủ tục tái sử dụng nước thải đã xử lý và giải quyết chênh lệch chi phí giữa nhựa nguyên sinh và nhựa tái chế, có thể mở ra các cơ hội.
Điều này đòi hỏi những nỗ lực phối hợp giữa các bộ. Các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý có thể tăng cường sự hợp tác liên ngành, giảm rào cản quan liêu và tạo ra một môi trường thúc đẩy đổi mới - động lực thiết yếu cho nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là nỗ lực của toàn xã hội.
Việt Nam phải tiếp tục đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm của quá trình chuyển đổi tuần hoàn để đảm bảo quá trình này vừa công bằng vừa bao trùm. Việt Nam cũng phải tiếp tục tạo cơ hội cho các cuộc đối thoại đa ngành và đa bên liên quan, thúc đẩy sự tham gia và quyền sở hữu của toàn xã hội.
Cũng tại Diễn đàn, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận về con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và cách thức thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho kinh tế tuần hoàn.
Thu Cúc