In bài viết

Chuyển đổi số phải giải quyết các 'bài toán' từ thực tiễn

(Chinhphu.vn) - Đây là tinh thần được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại buổi kiểm tra, làm việc với tỉnh Thái Nguyên về thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030"(Đề án 06) từ tháng 2/2022 đến nay, chiều 5/7.

05/07/2022 21:41
Chuyển đổi số để giải quyết các 'bài toán' từ thực tiễn - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra tại Bộ phận một của UBND phường Bách Quang và cho rằng cần sắp xếp nhân lực hợp lý nhằm đẩy nhanh việc đối soát, làm sạch cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh: VGP/Đình Nam

Thái Nguyên, cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, được lựa chọn làm điểm thực hiện Đề án 06 để nhận diện rõ thuận lợi và khó khăn, thách thức, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, nhân rộng cách làm tốt để nhân rộng ra các địa phương khác.

Kiểm tra trực tiếp tại UBND phường Bách Quang (TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác đã ghi nhận những phản ánh về những khó khăn, vướng mắc tại địa phương trong triển khai thực tế Đề án 06.

Theo lãnh đạo và cán bộ nhân viên phường Bách Quang, trong quá trình kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành (tư pháp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, an sinh xã hội…) do bộ, ngành, địa phương quản lý, vấp phải vấn đề "chưa kết nối được" hay "sự không liên thông dữ liệu giữa các Bộ quản lý". Do vậy, việc kết nối, cung ứng, giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử đối với một số thủ tục hành chính tại địa phương còn khó khăn.

Phó Thủ tướng đặt những câu hỏi rất cụ thể, nhất là trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường Bách Quang trong chỉ đạo Tổ công tác triển khai Đề án 06 của phường tháo gỡ những khó khăn đặt ra khi thực hiện Đề án 06, nhất là làm sạch dữ liệu về tư pháp, bảo hiểm, an sinh xã hội, đất đai… đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

"Qua thực tiễn từ cơ sở, các đồng chí cần nắm được yêu cầu của người dân đã được đáp ứng đến đâu, cần phải làm gì tiếp theo, từ đó tìm ra lời giải chung", Phó Thủ tướng nói.

Chuyển đổi số để giải quyết các 'bài toán' từ thực tiễn - Ảnh 2.

Trao đổi với lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên phường Bách Quang (TP. Sông Công), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thực tiễn triển khai Đề án 06 tại xã, phường rất quan trọng để có những mô hình, cách làm hiệu quả - Ảnh: VGP/Đình Nam

Tiếp đó, Phó Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo các thành phố, huyện, thị trực thuộc về tình hình triển khai Đề án 06 trên địa bàn.

Đến nay, Thái Nguyên đã cấp được gần 1 triệu thẻ căn cước công dân, đạt tỷ lệ gần 94%  (trong đó: có gần 500.000 thẻ đã đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế), gần 50.000 tài khoản định danh điện tử; hợp nhất Cổng dịch vụ công của tỉnh với phần mềm một cửa của tỉnh, xây dựng phần mềm số hóa và quản lý kết quả giải quyết thủ tục hành chính; triển khai 22/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, tổ chức tập huấn khai thác, sử dụng dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa phương; thực hiện số hóa sổ hộ tịch, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc...

Tại cuộc họp, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên, các sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo kết quả cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện Đề án 06 cũng như thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, trong đó nổi lên vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án 06.

Đó là chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp (theo số liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, việc xử lý hồ sơ trực tuyến mới đạt 11,4%). Người dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều tiện ích quan trọng do chuyển đổi số mang lại trong một số lĩnh vực thiết yếu, như: Y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông…

Việc đối soát dữ liệu hộ tịch điện tử, an sinh xã hội với cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư... chưa hoàn thành.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh chưa kết nối được với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành (hộ tịch, đất đai.…) dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức phải nhập dữ liệu trên nhiều phần mềm…

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng trong thời gian tới Thái Nguyên cần tập trung làm sạch các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm dữ liệu dân cư được "đúng, đủ, sạch, sống"; kết nối, chia sẻ dữ liệu để khắc phục tình trạng công chức, viên chức sử dụng nhiều phần mềm; nâng cấp, hoàn thiện phần mềm, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu số hóa, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hạn chế thông tin phải cung cấp đối với những thông tin, dữ liệu đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;…

Chuyển đổi số để giải quyết các 'bài toán' từ thực tiễn - Ảnh 3.

Lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Thải Nguyên báo cáo Phó Thủ tướng về kết quả cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện Đề án 06, trong đó nổi lên vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh: VGP/Đình Nam

Qua các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện Đề án 06, "có những bước đi ban đầu rất tốt". Tỉnh Thái Nguyên cần phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành việc cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu đã nêu trong Đề án 06.

Nhấn mạnh tinh thần "tiến không lùi" trong thực hiện Đề án 06, Phó Thủ tướng cho biết ở cấp Trung ương, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn nhằm xoá bỏ tình trạng "cát cứ dữ liệu", tạo sự liên thông, minh bạch để Đảng, Nhà nước nằm được đầy đủ thông tin về người dân, doanh nghiệp, các nguồn lực phát triển… Mục đích cuối cùng là phục vụ người dân, hoạt động điều hành, quản lý của Nhà nước; tăng cường giao tiếp, kết nối giữa người dân, DN với Nhà nước…

Quá trình thực hiện Đề án 06 phải gắn với giải quyết những "bài toán" đặt ra từ thực tiên quản lý của các sở, ngành; nhu cầu của người dân, đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân sử dụng các dịch vụ mới.

Đình Nam