In bài viết

Chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động của nông dân

(Chinhphu.vn) - Chuyển đổi số, số hóa trong nông nghiệp giúp giải quyết vấn đề ly nông, ly hương. Khi đó, người dân có thể không làm nông nghiệp nữa, nhưng trên mảnh đất quê hương, họ vẫn có những cách thức mới, công cụ mới để làm giàu, để thoát nghèo.

15/05/2024 08:35
Chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động của nông dân- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói về tác phẩm "Làng số" - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đây là quan điểm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra trong Hội nghị chuyên đề "Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp" kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở UBND thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 14/5.

Ngành nông nghiệp có nhiều thay đổi từ chuyển đổi số

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành nông nghiệp chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như: trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Những ứng dụng công nghệ số giúp tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, giúp tăng năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Ghi nhận những giá trị mà chuyển đổi số mang lại, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7-25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn…, nếu doanh nghiệp ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó khăn đi rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, các doanh nghiệp thủy sản có sự ứng dụng số hóa không đồng đều và có thể phân thành 3 cấp: sơ khai; tự đầu tư trên góc độ tự quản trị và đầu tư khá bài bản. Với doanh nghiệp đầu tư bài bản, họ có thể nắm được mọi thông số trong quản trị. Chẳng hạn khi gặp các cuộc thanh kiểm tra, những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tự tin đáp ứng các yêu cầu.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng chia sẻ, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, hay sắp tới là Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU…, công nghệ số sẽ giúp ngành chứng minh điều đó.

Khi Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều cuộc điều tra về thuế, gỗ hợp pháp.... Nếu doanh nghiệp ứng dụng số, chuyển đổi số sớm trong vận hành sản xuất, quản lý doanh nghiệp thì sẽ vượt qua được các "hàng rào" của các thị trường.

Chia sẻ về giải pháp, ông Dương Trọng Hải, đại diện VNPT cho rằng, để ứng dụng, phát triển nông nghiệp số không phải là vấn đề đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ mà đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu sẵn sàng số hóa. Doanh nghiệp này sẽ dẫn dắt hợp tác xã, nông dân chuyển đổi số, khi đó sẽ tạo thành thị trường số.

"Chuyển đổi số không phải là công nghệ mà là dữ liệu số, chuyên môn hóa. Chính sách cần hỗ trợ vào doanh nghiệp đầu chuỗi. Hiện đang có khoảng 20 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, VNPT sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các hợp tác xã", ông Dương Trọng Hải cho hay.

Chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động của nông dân- Ảnh 2.

Các ứng dụng mạng xã hội, kết nối tiêu thụ nông sản: "đưa chợ về vườn", đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng - Ảnh minh họa

Cần sự chung tay để có những 'làng số'

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ suy nghĩ: "Những gì đo đếm được thì sẽ quản lý được, cải tiến được", chính vì vậy với thực trạng việc số hóa ngành nông nghiệp chưa thực sự phát triển tương xứng với giá trị ngành, công tác chỉ đạo điều hành ngành nông nghiệp cũng đang gặp phải tương đối khó khăn, vướng mắc.

Từ tác phẩm "Làng số", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp không phải là điều gì đó xa xôi, khó khăn mà ai cũng có thể tiếp cận được, thực hiện được. Những nội dung số hóa nông nghiệp của cuốn sách vừa là vinh dự, vừa là động lực để ngành nông nghiệp tiếp tục lan tỏa những giá trị số đến từng thửa ruộng, bờ ao, mảnh vườn, với các cơ quan quản lý chuyên ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã làm việc với nhiều bộ, ngành về vấn đề chuyển đổi số nông nghiệp như Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ KH&CN, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương và bà con nông dân.

Cụ thể, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, với Bộ TT&TT là về quan điểm tiếp cận, giải mã những khái niệm chuyên ngành, phân biệt giữa công nghệ thông tin với chuyển đổi số, những giải pháp căn bản và cụ thể cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp...

Với Bộ Công an là về tích hợp dữ liệu công dân - cư dân nông thôn, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư, hay đáp ứng các yêu cầu quản lý chặt chẽ, nghiêm minh trong lĩnh vực thủy sản về tàu cá, thuyền viên...

Với Bộ KH&CN là ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ viễn thám, cổng truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng số, nhận diện, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong chính sách hợp tác phát triển nghiên cứu, ứng dụng...

Các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp là giới thiệu, trao đổi về các yêu cầu, quy chuẩn mới liên quan đến chuyển đổi số gắn bó mật thiết với chuyển đổi xanh.

Các địa phương, là tổng hợp nhu cầu, thí điểm các cách làm hay, mô hình hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng về quy mô, cấp độ và điều kiện thực tế.

Còn với hợp tác xã, bà con nông dân, là các giải pháp đa dạng, đa kênh, đa tương tác về "tri thức hóa nông dân"; là giới thiệu các nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội, kết nối tiêu thụ nông sản: "đưa chợ về vườn", đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chuyển đổi số, số hóa trong nông nghiệp giúp giải quyết vấn đề ly nông, ly hương. Khi đó, người dân có thể không làm nông nghiệp nữa, nhưng trên mảnh đất quê hương, họ vẫn có những cách thức mới, công cụ mới để làm giàu, để thoát nghèo. Nhờ vào sức mạnh của công nghệ, người dân đã không còn cần di chuyển về các thành phố lớn nữa mà vẫn tìm ra con đường riêng cho mình. Phát triển dựa trên công nghệ là hướng phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam.

Đỗ Hương