Là công nhân tại một khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương, chị Nguyễn Thị Khai (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) không có thời gian tìm hiểu và tiếp cận với các thông tin về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Khi biết đến ứng dụng VssID, chị đã nhanh chóng đăng ký sử dụng. Trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp hay thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn phải nghỉ việc luân phiên vừa qua, chị đã thông qua ứng dụng VssID để đăng ký hưởng các chế độ bảo hiểm và nhận tiền qua tài khoản đăng ký.
Chị Nguyễn Thị Khai chia sẻ, từ khi sử dụng ứng dụng VssID, chị dễ dàng theo dõi được các thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp; các thông tin về hưởng chế độ một lần như ốm đau, thai sản; sổ khám chữa bệnh cũng như biết được lịch sử khám chữa bệnh của mình trong thời gian qua... Đặc biệt, việc nhận tiền trợ cấp BHTN do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 rất thuận tiện và nhanh chóng.
Từ câu chuyện của chị Nguyễn Thị Khai, có thể thấy việc chuyển đổi số của ngành BHXH đã mang lại rất nhiều tiện ích của người thụ hưởng. Ví dụ như việc đi khám chữa bệnh, người dân không cần mang thẻ BHYT giấy, chỉ cần mở ứng dụng VssID là có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT của mình quét mã QR-Code, từ đó, thông tin về cá nhân hiện lên đầy đủ, rõ ràng, nhân viên y tế không phải nhập mới, nhanh chóng, tiện lợi.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, chuyển đổi số của ngành BHXH mà cụ thể là xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm đã thúc đẩy hiện đại hóa ngành BHXH Việt Nam và góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia. CSDL quốc gia về Bảo hiểm là 1 trong 6 CSDL quốc gia quan trọng cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Đây là CSDL quốc gia lưu trữ thông tin về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và thông tin về y tế, an sinh xã hội.
BHXH Việt Nam được Chính phủ giao là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành CSDL quốc gia về bảo hiểm. Đến thời điểm hiện nay, ngành BHXH Việt Nam quản lý dữ liệu của trên 98,7 triệu dân và hộ gia đình (trong đó có 90,5 triệu người tham gia BHYT, 15,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, 4,9 triệu người hưởng các chế độ BHXH, BHTN); kết nối trực tuyến với hơn 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ trực tuyến hằng năm (trong đó, trung bình mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT).
Toàn bộ dữ liệu và ứng dụng nêu trên được quản lý và lưu trữ tập trung, liên thông, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dự phòng. Như vậy, có thể nói CSDL về bảo hiểm và tương tác của cơ quan BHXH Việt Nam với người dân có sự lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn.
Với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", ngành BHXH Việt Nam cùng với các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, từng bước hoàn thiện "hệ sinh thái BHXH 4.0".
Câu chuyện chuyển đổi số của Hà Nội – nơi có số thu và số chi BHXH, BHYT lớn nhất cả nước là một "điểm nhấn" trong hệ sinh thái BHXH 4.0. Hà Nội có số đơn vị, số người tham gia và hưởng chính sách BHXH, BHYT lớn, đa dạng, thường xuyên biến động. BHXH TP. Hà Nội đang quản lý trên 89.000 đơn vị, doanh nghiệp với 1,8 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc; trên 7,4 triệu người tham gia BHYT.
Chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng chính sách của người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, thuận lợi. Lãnh đạo BHXH TP. Hà Nội xác định số hóa dữ liệu hộ gia đình, đồng bộ mã số BHXH, dữ liệu quá trình tham gia BHXH, BHYT của người tham gia để xây dựng CSDL tập trung là những bước quan trọng nhất trong chuyển đổi số, BHXH Hà Nội đã chủ động thực hiện đồng bộ mã số BHXH với dữ liệu quản lý người lao động; phối hợp với cơ quan, đơn vị và cá nhân người tham gia cung cấp thông tin cá nhân, thông tin hộ gia đình để đồng bộ mã số BHXH. BHXH Hà Nội đã cập nhật được quá trình tham gia BHXH, BHYT của trên 1,8 triệu người. Hà Nội trở thành đơn vị có số người cài đặt ứng dụng VssID lớn nhất cả nước.
BHXH Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên mở chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt ứng dụng "VssID-BHXH số". Kết quả, 3,9 triệu người đã đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và được cấp tài khoản sử dụng ứng dụng VssID.
Để "hệ sinh thái BHXH 4.0" ngày càng hoàn thiện, BHXH Việt Nam cũng vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tính đến hết tháng 9/2022, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực được hơn 51,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Toàn quốc đã có hơn 11,5 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chip để phục vụ khám chữa bệnh BHYT (chiếm khoảng 90% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc) với hơn 2,9 triệu lượt tra cứu thành công.
BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip và trên CSDL quốc gia về dân cư, nhằm hạn chế và ngăn chặn trục lợi trong đóng - hưởng BHXH, BHYT.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành; tích hợp, cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 7 dịch vụ công trên ứng dụng VssID. Tất cả các thủ tục hành chính của ngành đều được thực hiện trên không gian mạng.
Thu Cúc