In bài viết

Chuyển đổi xanh: Lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ lễ công bố Giải Báo chí phát triển xanh thường niên lần thứ nhất do Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh hướng đến NetZero Carbon phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Văn hoá báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 27/11 tại TPHCM đã diễn ra tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn - từ thực tiễn đến chính sách” và “Thị trường Tài chính Carbon: Cơ hội và Thách thức”.

28/11/2023 09:53
Chuyển đổi xanh: Lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Các đại biểu tại tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn - từ thực tiễn đến chính sách”

Chuyển đổi xanh: Các doanh nghiệp đang làm gì?

Tại tọa đàm "Thị trường Tài chính Carbon: Cơ hội và Thách thức", ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) nhận định, với cam kết về mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và cam kết chống suy thoái rừng theo quy định chống phá rừng EUDR của Ủy ban châu Âu sẽ áp dụng vào cuối năm 2024, ngành gỗ vừa có cơ hội lớn lâu dài lại vừa có thách thức trước mắt.

Cụ thể, ngành gỗ được hưởng lợi từ xu hướng sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho cho các vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bê tông... Bên cạnh đó, gỗ không chỉ được sử dụng nhiều trong sản phẩm nội thất như trước đây, mà sẽ có cơ hội lớn trong nghành xây dựng với Mass Timber (gỗ cấu kiện lớn). Ngoài ra, vật liệu từ gỗ cũng sẽ được dùng nhiều trong ngành năng lượng sinh khối tái tạo (renewable biomass energy), ngành tiêu dùng, bao bì... vì khả năng phát thải thấp, dễ phân hủy và tái chế.

"Với khả năng phát thải âm, ngành công nghiệp gỗ và đặc biệt là lâm nghiệp có thể đạt lượng tín chỉ carbon để giao dịch bù đắp cho các ngành công nghiệp khác", ông Khanh nhận định.

Tuy nhiên, ông Khanh cũng cho rằng thách thức để doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon rất lớn. Vì vậy ngoài việc có các chính sách pháp luật, rất cần có một cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho thị trường này, như xây dựng cơ sở dữ liệu cho quản trị, chuyển đổi số, sự vào cuộc các tổ chức tài chính, ngân hàng… để thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, vừa tạo đầu ra có giá trị gia tăng cao, vừa thêm thu nhập từ tín chỉ carbon.

Về mô hình kinh tế tuần hoàn, Giám đốc Phát triển bền vững Heineken Việt Nam, bà Lê Thị Ngọc Mỹ cho hay, Heineken hướng đến hai tham vọng là không rác thải chôn lấp trong sản xuất đến năm 2025 và xem rác thải là tài nguyên và khép vòng tuần hoàn trong toàn chuỗi giá trị.

Hiện Heineken Việt Nam đã đạt "không rác thải chôn lấp" tại 6/6 nhà máy từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với tham vọng 2025 của Heineken Việt Nam và của Heineken toàn cầu.

Về tái tạo, Heineken Việt Nam đã thu hồi biogas từ quy trình xử lý nước thải để làm nhiệt năng trong nấu bia; hơn 98% bao bì được tái chế, 97% chai thủy tinh được tái sử dụng,100% nguyên liệu giấy tái chế… Heineken Việt Nam cũng tối ưu hóa trong kho vận, vận chuyển; số hóa trong hoạt động văn phòng…

Theo bà Lê Thị Ngọc Mỹ, một trong những điểm mấu chốt để áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn đó là nâng cao nhận thức và năng lực. Sau nhiều năm áp dụng kinh tế tuần hoàn theo mô hình 3Rs (Reuse, Reduce và Recycle), trong tiếng Việt là Tái sử dụng, Giảm thiểu và Tái chế, Heineken Việt Nam mong muốn tiến xa hơn trên hành trình áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Với Nestlé Việt Nam, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, cho rằng, cần thiết phải dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giúp giảm khai thác tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nestlé Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong với các sáng kiến giúp giảm phát thải và bảo vệ tài nguyên. Trong đó, nổi bật là cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường…

Những nỗ lực này đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021 - 2022). Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.

Nestlé Việt Nam hiện đang thu mua khoảng 20-25% sản lượng cà phê của Việt nam, nhưng nhờ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp tất cả các nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu "Không chất thải chôn lấp ra môi trường" từ năm 2015, thông qua hoạt động thu gom, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải.

Việc Chính phủ Việt Nam cam kết về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đồng thời nhanh chóng ban hành những chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cũng như định hướng thu hút đầu tư thế hệ mới đã thúc đẩy các doanh nghiệp hàng đầu về thực phẩm như Nestlé tập trung tìm các giải pháp giảm khí thải nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng, cũng như thực hiện vai trò thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương thức canh tác nông nghiệp bền vững.

Chuyển đổi xanh: Lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp- Ảnh 2.

TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ tại tọa đàm

Chuyển đổi xanh: Lợi ích lâu dài

TS Bùi Đức Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thị trường tín chỉ các-bon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục, tuy nhiên ở mỗi quốc gia, cách thức và thời điểm vận hành khác nhau.

Về thời gian, Liên minh Châu Âu triển khai thực hiện thị trường các-bon sớm nhất trên thế giới, vận hành năm 2005, đến nay trải qua 5 giai đoạn. Thị trường Hàn Quốc vận hành thử nghiệm vào năm 2012, chính thức vào năm 2015 và trải qua 3 giai đoạn. Thị trường Trung Quốc vận hành thử nghiệm năm 2012 tại một vài tỉnh và chính thức toàn quốc năm 2022. Các nước, như Anh vào năm 2021, Nhật Bản vừa kết thúc thử nghiệm, vận hành chính thức từ 4/2023.

Trên thế giới có 3 hình thức thức vận hành thị trường carbon: bắt buộc, tự nguyện và tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris. Ngoài ra, có một hình thức không liệt vào 3 loại trên, và tương đối đơn giản là mang lên sàn mua bán. Singapore đang thực hiện theo hình thức này.

Về giá tín chỉ carbon, theo TS Bùi Đức Hiếu, ở hình thức tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris sẽ không có giá tín chỉ các-bon. Giá tín chỉ carbon chỉ có ở hình thức thứ nhất, và hình thức thứ hai và được định giá thông qua đấu giá hoặc mua bán trên sàn. Giá tín chỉ carbon hiện phụ thuộc vào cung và cầu, phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực phát thải. Tại Hàn Quốc, hiện giao dịch khoảng 5-6 USD/tín chỉ, Úc 25 USD, Trung Quốc 10 USD, EU 77 Euro...

Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2025 vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon, năm 2028 vận hành chính thức, các cơ chế trao đổi kết quả giảm phát thải song phương ITMO cũng đã thiết lập... Tuy nhiên, với những vấn đề như cơ hội của các doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế để chia sẻ nguồn lợi này như thế nào? Đến năm 2028 mới vận hành chính thức có muộn không... TS Bùi Đức Hiếu cho biết, các quốc gia xung quanh ta chỉ có Hàn Quốc là sớm, còn lại so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á, hay xa hơn là các nước Nam Mỹ, nhiều nước cũng đang trong thời gian chuẩn bị vận hành như Việt Nam, hoặc sớm hơn 1-2 năm.

Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế có độ mở lớn, nếu chúng ta áp dụng sớm thị trường các-bon, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải giảm phát thải, sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi theo hướng phát triển xanh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể chậm hơn, phải chuyển đổi, nếu không sẽ tụt hậu với thế giới.

Doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích lâu dài nhưng cũng có những thách thức phải đối mặt khi thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050. Về lợi ích vĩ mô, doanh nghiệp giảm phát thải, tham gia thị trường carbon là cùng Chính phủ để thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải. Đóng góp vào việc bảo vệ môi trường trước tác động của biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, khi tham gia thị trường các-bon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm.

Không chỉ vậy, thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để chính doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ. Qua đó tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận. Trên thế giới, điển hình như Tesla, năm 2022, doanh nghiệp này bán tín chỉ carbon thu về 1,78 tỷ USD, chiếm 10% tổng lợi nhuận.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Việt Nam có 14,2 triệu hecta rừng, chiếm 42% diện tích đất nước, trong đó có 7 triệu hecta trừng trồng sản xuất. Với diện tích rừng tự nhiên và trừng trồng sản xuất này, nếu biết quản trị hiệu quả, chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải, thì đây chính là nguồn tín chỉ carbon dồi dào. Vừa qua Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD đầu tiên (tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon) từ Ngân hàng Thế giới do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Riêng trong lĩnh vực chế biến gỗ, về cơ bản đây vẫn là ngành phát thải âm, nếu doanh nghiệp xây dựng được hệ thống kiểm đếm phát thải khí nhà kính, hệ thống giúp truy vết dấu chân carbon, thì còn dư tín chỉ carbon để thương mại, doanh nghiệp có nguồn thu ngoài sản phẩm chính.

TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính Carbon - CODE, cho rằng, kinh tế xanh, kinh tế carbon, thị trường carbon... không chỉ còn là vấn đề môi trường mà nó đang trở thành thời đại kinh tế. Trong thời gian tới, việc minh bạch thông tin các báo cáo về phát thải, chỉ số carbon..., chắc chắn sẽ mang tính bắt buộc. Khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, bên cạnh báo cáo tài chính, doanh nghiệp sẽ phải có báo cáo về việc định lượng, kiểm kê toàn bộ số lượng phát thải khí nhà kính của mình.

Mạnh Hùng