Tham dự Hội nghị có ông Bùi Huy Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Vĩnh Phúc, và đại diện lãnh đạo một số bộ, ban ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Duy Đông, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Sau gần 30 năm tái lập, kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, trung bình đạt 13,8%/năm trong giai đoạn 1997-2022; quy mô nền kinh tế năm 2023 là 158,1 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 14 toàn quốc; thu ngân sách nhà nước đứng thứ 10/63 tỉnh thành. GRDP bình quân đầu người đạt 5.400 USD, đứng thứ 9/63 tỉnh thành phố trong cả nước.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế...
Những thành tựu đã đạt được là kết quả của việc triển khai những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài nước. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đóng góp hết sức quan trọng tới sự thành công trong phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.
Bên cạnh những thuận lợi, Chủ tịch Trần Duy Đông cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang phải đối mặt với những thách thức có liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu; thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất được triển khai ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có liên quan tới các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như thép, sắt, vật liệu xây dựng…
Trong bối cảnh này, tỉnh Vĩnh Phúc đang từng bước nghiên cứu, xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh nhằm đạt được mục tiêu Net Zero, phù hợp với các định hướng và chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược này bao gồm việc phát triển hạ tầng bền vững, bảo vệ môi trường và khuyến khích các giải pháp năng lượng tái tạo.
Ông Trần Duy Đông chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra một số giải pháp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực xanh cụ thể như:
Rà soát, sắp xếp lại quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chọn lọc trong thu hút đầu tư cùng với định hướng thu hút FDI xanh, chủ động hạn chế một số dự án gây ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất da, cao su, dệt nhuộm, giấy và không chấp thuận các dự án có tính chất sản xuất ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Xây dựng sáng kiến bằng đề án cụ thể là Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 17/4/2023. Trong đó có xác định mục tiêu là thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.
Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để đưa ra các giải pháp phát triển xanh bền vững như: hỗ trợ dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc định hướng dự án trở thành cảng cạn đạt mức phát thải ròng bằng 0 đầu tiên của châu Á vào năm 2040; thành lập Tổ công tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty Honda Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát thải ra môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các giải pháp "chuyển đổi xanh" còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng không chỉ đối với các cơ quan nhà nước mà còn với các doanh nghiệp. Do vậy, để nhận định, đánh giá những kết quả đạt được, xác định rõ các khó khăn, thách thức và đề ra các giải pháp nhằm phát triển một nền kinh tế xanh, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên...Do đó, cần thảo luận, làm sáng tỏ thêm về khái niệm, thực trạng "chuyển đổi xanh" trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới, tìm ra những giải pháp giải quyết các vướng mắc, rào cản khi thực hiện "chuyển đổi xanh" và giải pháp hướng tới xây dựng nền "kinh tế xanh" trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nêu các khuyến nghị về định hướng quản trị địa phương của Vĩnh Phúc nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh.
Thứ nhất, tỉnh Vĩnh Phúc cần tích hợp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị. Xây dựng các khu đô thị sinh thái, các vùng nông nghiệp hữu cơ kết hợp năng lượng tái tạo, và tăng cường diện tích cây xanh đô thị. Quy hoạch phát triển công nghiệp cũng cần áp dụng tiêu chí xanh hóa, khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải và sử dụng năng lượng sạch; ưu tiên phát triển các ngành kinh tế ít phát thải, tận dụng tiềm năng về năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Thứ hai, Vĩnh Phúc có thể tận dụng các lợi thế địa phương để phát triển năng lượng tái tạo. Ví dụ, điện mặt trời áp mái là giải pháp khả thi cho các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất và hộ gia đình. Tỉnh cần xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư, như trợ giá hoặc giảm thuế cho các dự án năng lượng sạch.
Thứ ba, với vai trò là một trung tâm công nghiệp, cần thúc đẩy mô hình khu công nghiệp sinh thái. Các khu công nghiệp như Bình Xuyên hoặc Phúc Yên có thể trở thành hình mẫu trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn: sử dụng chất thải của một doanh nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác. Tỉnh nên xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu phát thải, và ưu tiên các ngành công nghiệp giá trị cao, ít ô nhiễm như công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm.
Thứ tư, để thực hiện các chương trình chuyển đổi xanh, tỉnh Vĩnh Phúc cần có nguồn lực tài chính bền vững. Một giải pháp quan trọng là huy động vốn từ thị trường tín chỉ carbon thông qua việc tham gia các dự án giảm phát thải được quốc tế công nhận.
Ngoài ra, tỉnh có thể thu hút các khoản tài trợ từ các quỹ khí hậu quốc tế như Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) hoặc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP) trong các dự án năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh.
Thứ năm, tăng cường quản lý môi trường, áp dụng các giải pháp giám sát khí thải từ các khu công nghiệp và hệ thống giao thông. Đồng thời, Vĩnh Phúc cần triển khai các chương trình phục hồi hệ sinh thái, trồng rừng và bảo vệ các khu bảo tồn tự nhiên, vừa giảm phát thải, vừa cải thiện chất lượng không khí...
Thứ sáu, Vĩnh Phúc cần hợp tác chặt chẽ với các tỉnh lân cận trong quy hoạch vùng, xây dựng hạ tầng chung và chia sẻ các mô hình tốt về chuyển đổi xanh. Các khu vực liền kề Hà Nội cần có chính sách liên kết trong phát triển đô thị xanh và giao thông bền vững. Ngoài ra, Vĩnh Phúc cần đào tạo đội ngũ cán bộ có kiến thức và kỹ năng trong quản lý chuyển đổi xanh, đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của họ trong giảm phát thải...
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast đánh giá: Vĩnh Phúc là một trong những địa phương tiên phong và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh theo định hướng của Chính phủ hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 – một tầm nhìn có thể thấy rõ qua những chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân. Các sáng kiến trong quy hoạch phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo của tỉnh đã được thể hiện qua những hành động cụ thể, thiết thực.
Là tập đoàn đa ngành hàng đầu tại Việt Nam, Vingroup đang tiên phong, đi đầu trong nhiều lĩnh vực kinh tế xanh, nổi bật nhất là hệ sinh thái xe điện VinFast và các dịch vụ vận tải xanh công cộng. VinFast, thương hiệu xe điện là minh chứng rõ ràng nhất cho cam kết thúc đẩy chuyển đổi xanh, thực hiện sứ mệnh kiến tạo tương lai xanh.
Để hiện thực hóa sứ mệnh ấy, Vingroup đã khởi xướng chiến dịch "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam – Vì tương lai Xanh" như một cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn về việc đồng hành cùng đất nước trên con đường phát triển bền vững.
"Như ứng dụng trên taxi Xanh cho phép người dùng di chuyển 130 km sẽ tương đương với việc trồng một cây xanh. Khi tích lũy quãng đường, người dùng có thể "trồng" 200 cây, 300 cây, để cùng nhau tạo nên một cách hình dung đầy ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ứng dụng này cũng tích hợp khi sử dụng dịch vụ taxi xanh, giúp người dân đóng góp vào lối sống xanh", bà Lê Thị Thu Thủy dẫn ví dụ.
Anh Minh